00:00 Số lượt truy cập: 2663034

Mô hình trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Xã Đồng Sơn (Gò Công Tây, Tiền Giang) có diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả khá cao (174 ha), tập trung ở khu vực ấp Khương Thọ và ấp Ninh Đồng A. Nhằm chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long (dưới chân ruộng) có hiệu quả kinh tế cao, từ tháng 3 - 12/2015 Trạm Khuyến nông huyện Gò Công Tây đã thực hiện mô hình "Trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả" tại ấp Khương Thọ với quy mô 3 ha/7 hộ tham gia.

Ngoài việc chuyển sang trồng thanh long tăng thu nhập, mô hình còn hướng tới việc cải tạo đất và nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích đất bằng giải pháp kết hợp trồng xen canh rau màu.

Trước và trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long và các loại rau màu như: quản lí sâu bệnh hại trên rau màu ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây thanh long, sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học như nấm Trichoderma trong qui trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguyên tắc “4 đúng”, các nguyên tắc trong sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.... Ngoài ra TT Khuyến nông cũng hỗ trợ cho mô hình 30 bao phân bón hữu cơ vi sinh Tribat TMB (trị giá 8,3 triệu đồng - 1,9% tổng kinh phí vật tư của mô hình).

Qua 9 tháng thực hiện, mô hình đạt được những kết quả khá tốt. Chi phí sản xuất của các hộ là từ 18,2 - 21,9 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập từ 17,5 - 47 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, mỗi hộ có được lợi nhuận từ 15 – 26 triệu đồng/ha/vụ. Nhìn chung trong năm đầu thực hiện, lợi nhuận từ rau màu mang lại trên vườn thanh long từ 43,2 - 78,9 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài lợi ích về kinh tế, mô hình còn giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác và quản lí dịch hại trên thanh long. Về mặt nhận thức, mô hình đã giúp nông dân phá bỏ tập quán độc canh cây lúa, đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho trên cùng đơn vị diện tích đất. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, giảm bón phân hóa học, giảm số lần phun thuốc, sử dụng các loại thuốc chuyên dùng cho thanh long, thuốc vi sinh... góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Qua thực hiện mô hình "Trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả", ông Đỗ Văn Lập - tổ trưởng mô hình đánh giá: Đây là mô hình sản xuất thí điểm mang lại hiệu quả cao cho xã Đồng Sơn - là vùng đất cằn cỗi, nhiễm phèn mặn vào mùa khô, nằm cuối nguồn của hệ thống kênh mương nội đồng của huyện Gò Công Tây.

Thực tế cho thấy, thanh long có khả năng chống chịu hạn hán tốt,thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây giá thanh long tương đối cao, giúp không ít nông dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Nhìn chung, cây thanh long trên vùng đất nghèo Đồng Sơn đang dần khẳng định vị thế của mình, cũng là loại cây cây ăn trái nằm trong vùng qui hoạch của xã. Tuy nhiên, nông dân cần nắm vững qui hoạch sản xuất chung của xã, không ồ ạt chuyển sang trồng thanh long để tránh tình trạng được mùa thất giá.

Võ Thị Mỹ Hạnh