00:00 Số lượt truy cập: 2662010

Mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình ở Kim Bình 

Được đăng : 03/11/2016

Kim Bình (TP Phỷ Lý, Hà Nam) là một xã nông nghiệp, diện tích tự nhiên 628.53 ha, dân số 5945 người, gồm 11 thôn xóm. Hiện nay, việc thu gom, phân loại rác đang là vấn đề quan tâm của ban lãnh đạo xã. Hàng tháng lượng rác thải phải vận chuyển đi 35 - 50 tấn. Thực tế, tỷ lệ thu gom rác, phân loại tại hộ gia đình còn rất thấp. Để thực hiện tốt công tác thu gom và phân loại rác tại nhà giảm tải lượng rác thải đem đi xử lý cần có một mô hình thích hợp phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương.


Thực hiện Hướng dẫnsố 20 - HD/HND ngày 20/3/2014 của BTV Hội Nông dân thành phố Phủ Lý về “Phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” năm 2014; được sự nhất trí của Đảng ủy, UBND xã, Hội Nông dân xã Kim Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình tại chi Hội Nông dân thôn Khê Khẩu làm mô hình điểm của HND thành phố Phủ Lý và HND tỉnh Hà Nam.

Hội Nông dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Môi trường nông thôn tập huấn cho gần 100 cán bộ, hội viên nông dân. Sau khi tập huấn, Hội Nông dân xã đã tổ chức chọn 10 hộ xây dựng bể chứa rác thải, mỗi bể chứa có chiều dài 1,5m, rộng 0,9m, chiều cao: một đầu 0,9m và một đầu 1,3m. Chi phí để xây dựng hố là 517 nghìn đồng/hố; men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ do Hội Nông dân thành phố và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ.

Ngày 08 tháng 8 vừa qua, mô hình đi vào hoạt động. Trong quy trình xử lý tại nhà, các loại rác hữu cơ sau khi phân loại cho vào bể chứa được trộn với men vi sinh và đậy kín. Dưới tác dụng của các vi sinh vật có lợi nên trong quá trình phân hủy rác hữu cơ cũng tạo ra ít chất gây hại, ít mùi hôi thối, tạo ra môi trường sống trong lành hơn. Mặt khác, chất hữu cơ sau khi phân hủy bà con nông dân lại tận dụng làm phân bón để tăng năng suất cây trồng. Rác thải vô cơ một phần tận dụng tái chế hoặc tận thu sử dụng vào các công việc khác. Dự tính khi mô hình được nhân rộng và triển khai trong toàn xã, lượng rác thải hàng tháng sẽ giảm từ 10-20 tấn/tháng, vì vậy cũng giảm được chi phí vận chuyển và xử lý rác thải.

Mong rằng, Hội Nông dân các cấp và Ban lãnh đạo xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của mô hình, tổng kết, rút kinh nghiệm để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực, đánh dấu sự thay đổi về tư duy nhận thức của hội viên cũng như nhân dân về quy trình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình. Mỗi hội viên thấy rằng việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình đã làm giảm tải một phần lượng rác thải phải vận chuyển đến nơi tập kết; rác hữu cơ được phân loại và xử lý kịp thời không gây ô nhiễm môi trường; phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình là bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng./.

                                                         Phạm Văn Chí - HND Tp Phủ Lý