00:00 Số lượt truy cập: 2661889

Một nông dân chế tạo thành công máy vặt hạt điều công suất lớn 

Được đăng : 03/11/2016
Ròng rã suốt cả năm đầu tư công sức, tiền của và trải qua bao lần thất bại, thậm chí bị nhiều người gọi là “khùng”, cuối cùng anh Ngô Ngọc Quang, ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước) cũng đã nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc máy vặt hạt điều công suất lớn, giải phóng được nhiều công lao động trong thu hoạch điều.

 

Năm 2003, sau vài năm đầu tư vào cây tiêu thất bại, anh Quang bỏ vườn tiêu, mở tiệm cơ khí. Vào năm 2004, nghe người bạn tâm sự “nhà trồng 5 ha điều nhưng tìm mãi không được người làm để về thu hoạch, quả điều không thu hoạch bị hỏng hết ngoài vườn. Và hỏi anh Quang có cách nào chế tạo ra cái máy vặt hạt điều không?”. Lúc này chưa có cái máy nào tương tự nhưng anh đã nhận lời làm thử.

Anh Quang cho biết: "Khi bắt tay vào làm chiếc máy này, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều loại máy với các nguyên lý như phay, lừa, bóc ép... nhưng không có nguyên lý nào phù hợp với việc vặt hạt điều. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi tôi thấy chỉ có nguyên lý trượt vặt là phù hợp nhất, hạt điều không bị dập nát”.

Tuy đã tìm ra nguyên lý hoạt động rồi nhưng quá trình thực hiện nó cũng rất kỳ công. Do tất cả các công đoạn đều được làm bằng phương pháp thủ công nên mỗi khi chỉnh sửa, thay đổi phải tốn rất nhiều công sức, thời gian. Ngoài ra, một khó khăn khiến cho việc chế tạo máy kéo dài là do không có quả điều để thử máy. “Chế tạo các loại máy khác như tách hạt bắp, hạt tiêu thì dễ dàng có vật liệu để thử máy còn máy vặt điều này thì cứ phải đợi tới mùa, mùa điều lại rất ngắn (khoảng 1 tháng sau Tết) nên nhiều khi máy bị trục trặc, chỉnh sửa xong lại không có quả để thử”, anh Quang phân trần. Phải làm tới cái máy thứ ba và mất hơn 3 năm, anh Quang mới hoàn thành được một cái máy hoàn chỉnh và đạt độ chính xác cao có hệ thống trượt vặt với 10 thanh trục có các loại rãnh xoắn khác nhau. Hạt điều sau khi vặt bằng máy rất sạch, không còn cuống và không bị dập.

Chiếc máy nặng khoảng 100kg, cao khoảng 1,2m, với các bộ phận như khung máy, máng đựng, trục xoắn, hệ thống lô vặt và chạy bằng máy nổ loại nhỏ. Máy có công xuất khoảng 500-600 kg/giờ, gấp 25-30 lần so với làm thủ công vặt bằng tay. Công việc vận hành máy rất đơn giản chỉ cần từ 1 đến 2 người... Hiện nay, tuy máy đã hoàn chỉnh nhưng anh Quang đang tiếp tục nghiên cứu làm khung máy gọn nhẹ lại, tiện lợi cho việc di chuyển, giảm chi phí sản xuất.

“Phần lớn thu nhập từ xưởng cơ khí này tôi đều đổ hết vào việc đầu tư chế tạo chiếc máy vặt hạt điều. Nhiều lúc trong nhà không có tiền phải đi vay mượn bạn bè, anh em và đi mua nợ vật liệu của cửa hàng để về làm cho kịp thử máy. Rồi suốt ngày cứ cặm cụi xoay quanh cái máy, hết ngồi vẽ, hàn gò, thậm chí còn ngồi nhìn và nghiên cứu xem con bò nhai như thế nào mà khi ăn các loại quả, nó lừa được hạt ra mà hạt không bị nát”, anh Quang giải thích tại sao có biệt danh là Quang “khùng”. Nhiều người thấy anh cứ nghiên cứu mãi không có kết quả gì, hao tốn tiền của nên đã bảo anh bỏ cuộc. Nhưng rồi với quyết tâm và lòng ham mê nghiên cứu, sáng tạo, đến đầu năm 2007, chiếc máy vặt điều hoàn chỉnh đã ra đời. Theo anh Quang, nếu đem vào sản xuất đại trà thì giá thành của một chiếc máy khoảng 5 triệu đồng. Bắt đầu từ mùa điều tới là anh có thể cung cấp cho các gia đình trồng điều có nhu cầu. Hiện đã có một số chủ vườn điều tới tham quan và đặt mua máy.

Có thể nói, việc anh Ngô Ngọc Quang chế tạo thành công chiếc máy vặt hạt điều đã góp phần giảm bớt đi một công đoạn vất vả cho nông dân trong quá trình thu hoạch điều. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp điều của tỉnh Bình Phước, nơi có diện tích và sản lượng điều lớn nhất nước ta hiện nay.