00:00 Số lượt truy cập: 2666723

Một nông dân là tác giả 4 giống lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có một nông dân hiện là tác giả của 4 giống lúa có chất lượng cao được rất nhiều nông dân ưa chuộng.



Anh nông dân Nguyễn Văn Tính ở ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hiện đang được rất nhiều nông dân ở ĐBSCL biết đến vì đã lai tạo thành công nhiều giống lúa có chất lượng cao với tên gọi HĐ (Hòn Đất). Anh Tính là con trai lớn trong một gia đình nông dân nghèo, đông con (3 trai, 5 gái) ở huyện Giồng Riềng. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp lớp điều dưỡng của Trường Trung học y tế anh được phân công về làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhưng đầu năm 1987, anh xin nghỉ việc và chuyển về sinh sống bên nhà vợ ở huyện Hòn Đất.


Anh Tính nhớ lại: Hồi đó mình rất mê làm thợ chụp hình nên làm được đồng nào là tích lũy để mua máy ảnh. Có máy rồi mình xin nghỉ việc luôn ra ngoài đi chụp hình dạo. Nhưng thu nhập không đủ nuôi gia đình, nhất là từ khi đứa con gái đầu lòng chào đời. Thấy vậy, gia đình bên vợ đã cho 1ha đất để 2 vợ chồng làm ăn. Qua mấy vụ làm lúa anh nhận ra rằng, phải có giống tốt thì mới thành công. Từ đó, anh chuyển sang sản xuất lúa giống và bỏ công mày mò nghiên cứu giống. Anh bộc bạch: Lúc đó có được đồng nào mình lại tìm mua các tài liệu về lai tạo giống lúa về đọc. Rồi theo các lớp học về canh tác lúa của Phòng NN-PTNT huyện. Riết rồi mê luôn. Thấy anh say mê nghiên cứu giống, năm 2000, Phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất đã chọn anh đi học lớp CBDC (lớp Bảo tồn đa dạng sinh học) do Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửa Long (NCPT ĐBSCL) thuộc Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện. Rồi lại được học tiếp lớp Kỹ năng chọn tạo giống và bảo tồn đa dạng sinh học (Bucap). Sau khi có được kiến thức, anh đã nhận giống lúa của Viện NCPT ĐBSCL về lai tạo. Anh cho biết: Phải lai tạo qua nhiều vụ liên tiếp mới cho ra được một giống lúa, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Để có giống lúa HĐ1, ban đầu chọn cây cha là MTL156 lai với cây mẹ là AS996 cho ra F1. Sau đó lai F1 với giống Nàng Nhuận (lúa mùa) để được F2. Rồi dùng F2 để chọn dòng phân ly đến đời F8 mới hoàn thành. Khi lai tạo phải giăng dây cấy từng tép nên rất tốn kém, hiện nay Phòng NN-PTNT lo tiếp phần này. Các giống HĐ2, HĐ3, HĐ4 cũng theo quy trình sản xuất tương tự như vậy.


Đặc tính chung của các giống lúa HĐ là thời gian sinh trưởng ngắn (90 - 95 ngày), kháng rầy, bông chùm, gạo thơm ngon nên rất được nông dân ưa chuộng. Anh cho biết, năm ngoái đã bán được 100 tấn giống lúa HĐ1. Hiện có 1 tổ gồm 16 hộ nông dân chuyên sản xuất và cung cấp giống HĐ cho thị trường. Vụ này đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 150 tấn, phần lớn là của nông dân ở Hòn Đất và huyện Chợ Mới (An Giang). Nhưng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Điều quan trọng nhất là phải đăng ký thương hiệu cho giống lúa. Hiện tại anh đang hoàn tất thủ tục để được công nhận là giống cấp quốc gia. Theo yêu cầu của Viện NCPT ĐBSCL, anh vừa hoàn thành công việc tổng điều tra diện tích 6.000 ha giống HĐ1, trong đó An Giang là 3.000 ha, Kiên Giang 2.500 ha, còn lại rải rác ở các huyện khác...