00:00 Số lượt truy cập: 2667612

Một số hệ thống trong nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Trong nông nghiệp, các hệ thống thường được nhắc đến như: hệ thống nông nghiệp, hệ thống trang trại, hệ thống trồng trọt, hệ thống chăn nuôi, hệ thống nuôi trồng thuỷ sản, hệ thống nông hộ, v.v. Vậy các hệ thống đó là gì?


1. Hệ thống trang trại

Hệ thống trang trại là một dải đất hoặc mặt nước bất kỳ tạo nên bởi một hoặc nhiều hơn các khoảnh đất dùng để trồng trọt và chăn nuôi dưới sự quản lý của chủ đất hoặc người thuê đất.

Theo Harwood (1979), đó là sự sắp đặt ổn định và thống nhất các hoạt động sản xuất do nông hộ quản lý phù hợp với trình độ kỹ thuật, môi trường tự nhiên, sinh học và kinh tế - xã hội; phù hợp với mục tiêu, sở thích và nguồn lực của nông hộ. Các yếu tố này ảnh hưởng chung đến sản lượng và phương thức sản xuất. Hệ thống trang trại là một bộ phận của hệ thống lớn hơn - đó là hệ thống nông nghiệp và có thể chia thành các hệ thống thành phần - đó là hệ thống trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, v.v..

2. Hệ thống nông nghiệp

Hệ thống nông nghiệp là một tập hợp các hệ thống trang trại bao gồm cả các hệ thống phân phối để cung cấp các vật tư và dịch vụ cần thiết đến người nông dân và đưa nông phẩm đến với người tiêu dùng (theo Gartner - 1984 và Grigg - 1974). Hệ thống nông nghiệp không chỉ chú trọng đến hoạt động của các thành phần trong sản xuất nông nghiệp dưới tác động của môi trường, mà còn bao gồm cả các thành phần cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm - một phần không thể thiếu được cho một nền nông nghiệp hàng hóa như hiện nay. Do vậy, hệ thống nông nghiệp là một hệ thống rộng hơn và bao trùm lên nhiều mối quan hệ, trong đó có cả quan hệ giữa các hệ thống nông trại và quan hệ với các bộ phận khác ngoài phạm vi sản xuất nông nghiệp.

3. Hệ thống trồng trọt

Hệ thống trồng trọt là một tập hợp của một hay nhiều loại cây trồng, bao gồm các thành phần cần thiết cho sản xuất, kể cả mối quan hệ giữa các hoạt động sản xuất của nông hộ và các môi trường tự nhiên, sinh học và kinh tế - xã hội.

4. Hệ thống chăn nuôi

Hệ thống chăn nuôi có thể được định nghĩa tương tự như hệ thống trồng trọt.

5. Hệ thống nông hộ

Hộ là một tổ chức xã hội trong đó các thành viên thường sống, ăn và ngủ cùng dưới một mái nhà. Trong hộ có chủ hộ và chủ hộ có thể là phụ nữ (vợ) hoặc nam giới (chồng).

Ở các nước phát triển, nông hộ có thể do một hoặc hai gia đình cùng với các thế hệ khác nhau tạo nên. Phần lớn nông hộ ở các nước này phấn đấu sản xuất ra một lượng lương thực liên tục và ổn định cung cấp cho nhu cầu của họ và để thoả mãn các nhu cầu cần thiết khác như học hành, mặc, ở... và để bán.

Ở hầu hết các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản là hệ thống sản xuất nông hộ và mọi quyết định về sản xuất đều diễn ra ở mức nông hộ. Nông hộ còn là đơn vị kiểm soát sự chuyển hoá đầu vào thành các nông sản cơ bản.

Như vậy, có thể định nghĩa hệ thống nông hộ: Hệ thống nông hộ là một hệ thống cơ bản và trọng yếu của nền nông nghiệp nước ta và các nước khác có nền kinh tế thị trường.

Hệ thống nông hộ gồm có 3 hệ thống thành phần liên quan chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau, đó là:

- Nông hộ là đơn vị đưa ra quyết định sản xuất, mục đích hoạt động của hệ thống, kiểm soát sự hoạt động của hệ thống và cung cấp lao động cho hệ thống; đồng thời đòi hỏi lương thực, thực phẩm và tiền mặt từ hệ thống để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

- Trang trại với các hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tạo việc làm, lương thực, thực phẩm và tiền mặt cho nông hộ.

- Thành phần ngoài trang trại cung cấp việc làm và các hoạt động sinh lợi, tuy có sự cạnh tranh lao động gia đình với các hoạt động trang trại nhưng thành phần này ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc làm cho nông hộ càng trở nên giàu có hơn, đặc biệt khi quy mô trang trại nhỏ, không cung cấp đủ việc làm cho lao động gia đình./.