00:00 Số lượt truy cập: 2626956

Một số kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận 

Được đăng : 03/11/2016

Một số kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận.


Năm 2015, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ VI, nhiệm kỳ (2013 - 2018) của Hội Nông dân Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá IV “Về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"; Thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Bộ chính trị về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673-QĐ/TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nông thôn.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận đã tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, Lãnh đạo Ban Tuyên huấn về các nhiệm vụ chính trị của Trung tâm cần tập trung để chỉ đạo, lãnh đạo tập thể Trung tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã tham mưu cho Thủ trưởng hai ngành (Hội Nông dân Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ) chỉ đạo Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có các hình thức phối hợp để tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Chương trình phối hợp đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; cán bộ, hội viên, nông dân. Coi việc tổ chức phối hợp triển khai này là nhiệm vụ thư­ờng xuyên của địa phương, cơ sở.

Đôn đốc, kiểm tra Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hoạt động cụ thể, thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo nội dung của Chương trình phối hợp và hướng dẫn tổ chức thực hiện của hai ngành.

A. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

I. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp bộ

1. Các đề tài cấp bộ

1.1. Các đề tài chuyển tiếp năm 2014 - 2015.

Tên đề tài: Tác động của nguồn vốn tín dụng tới phát triển sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân. Đề tài do đồng chí Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội làm chủ nhiệm, đến 31 tháng 12 năm 2015 đã được nghiệm thu cấp Bộ/ngành. Sản phẩm của đề tài đã được gửi đến các tỉnh, thành Hội. Thông qua Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của nguồn vốn tín dụng tới phát triển sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân, trên cơ sở đó dự báo xu hướng sử dụng vốn vay của nông dân Việt Nam trong thời gian tới; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho nông dân. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp các số liệu khoa học làm căn cứ để hoạch định và thực hiện các chính sách của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và các địa phương; tạo cơ sở thuận lợi và khoa học cho việc đề ra và thực hiện nhanh chóng các chính sách để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời kết quả nghiên cứu làm cơ sở cho Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Hội.

1.2. Các đề tài mới năm 2015.

- Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy đào tạo nghề cho nông dân ở các trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân Việt Nam.

Trong năm 2015, Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã xây dựng thuyết minh đề cương được Hội đồng khoa học cơ quan thẩm định và tiến hành nghiên cứu tại 2 tỉnh; đến tháng 12/2015 đã có báo cáo kết quả tiến độ năm 2015.

- Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong năm 2015, Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã xây dựng thuyết minh đề cương được Hội đồng khoa học cơ quan thẩm định và tiến hành nghiên cứu tại 2 tỉnh; đến tháng 12/2015 đã có báo cáo kết quả tiến độ năm 2015.

2. Các dự án xây dựng mô hình.

2.1. Xây dựng mô hình xử lý cây vải thiều ra quả trên thân cây

Đây là dự án thực hiện trong 2 năm, đến tháng 12 năm 2015 đã có báo cáo tiến độ và 1 số việc đã hoàn thành;

- Tập huấn cho nông dân tạo tán sau thu hoạch quả, tiến hành bón phân tạo tán…

- Hướng dẫn kỹ thuật tạo tán, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật….

- Cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo dự toán.

- Kiểm tra đôn đốc các hoạt động đã được phê duyệt trong đề cương

2.2. Xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học theo quy mô gia trại tại Sơn La.

Dự án đã được nghiệm thu cấp Bộ/ngành, kết quả đạt loại Khá

Tạo việc làm cho 10 hộ tham gia dự án

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn để chỉnh lý hoàn thiện tài liệu kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học theo quy mô gia trại., hoàn thành trước 30/12/2015.

 Tóm lại: Các kết quả của các đề tài nghiên cứu, các dự án xây dựng mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất nghiệm thu được đánh giá rất cao, có nhiều hộ nông dân được tham gia tập huấn, đặc biệt các hộ được trực tiếp tham gia mô hình đã có thu nhập rất cao, tỷ lệ lãi tính trên đồng vốn đầu tư đạt gần 30%. Thông qua đó, tạo sự cổ vũ mạnh mẽ đối với nông dân trong vùng áp dụng các mô hình trình diễn để tổ chức sản xuất, nhân rộng mô hình. Việc tổ chức sản xuất áp dụng khoa học công nghệ đã giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Triển khai các dự án Khoa học công nghệ đã giúp cho hội viên nông dân ở cơ sở nắm được đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xoá đói giảm nghèo ở địa bàn xã, tăng thêm niềm tin của hội viên, nông dân với tổ chức Hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm cho hội viên, nông dân thực sự gắn bó với tổ chức Hội, thu hút nông dân vào Hội ngày càng đông; chất lượng, nội dung hoạt động Hội ngày càng được phong phú. Đồng thời thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án sẽ nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Hội về quản lý kinh tế, kỹ năng tổ chức thực hiện, quản lý điều hành các chương trình, dự án.

III. Tổ chức Cuộc thi sáng tạo nhà nông toàn quốc lần thứ VI.

Cuộc thi sáng tạo nhà nông toàn quốc lần thứ VI có hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật, công nghệ của nông dân gửi về các Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các giải pháp của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng rất cao. Hầu hết các giải pháp, sản phẩm dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân nhằm ứng dụng hiệu quả các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Kết quả cuộc thi ở cấp Trung ương đã lựa chọn được 18 giải pháp sáng tạo xuất sắc nhất bao gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 12 giải khuyến khích.

Cuộc thi được tổ chức thành công là thể hiện hiệu quả của chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có sức mạnh sáng tạo của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

B. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VỚI BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

I. Hội thảo khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học & Công nghệ với Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015”.

Ngày 16/11/2015, tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ KH&CN và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phối hợp tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ KH&CN giai đoạn 2011 - 2015”. Đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Phóng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 250 đại biểu đến từ các Sở KH&CN, Hội Nông dân, một số doanh nghiệp và nông dân các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát biểu, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân Việt Nam nhiều nội dung liên quan đến tăng cường, nâng cao hiệu quả của việc chuyển giao, ứng dụng và phổ biến các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Hội thảo đã đánh giá sâu sắc kết quả phối hợp hoạt động và rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện thành công của sự phối hợp là: Hoạt động của Chương trình chỉ có hiệu quả khi hướng tới cơ sở; hoạt động ứng dụng, chuyển giao cần đi vào những công việc cụ thể, thực chất, tránh chung chung; bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền các tiến bộ khoa học và công nghệ mới cần chú trọng nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được áp dụng thành công ở các địa phương khác vào địa bàn; cần chú trọng công tác xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm do nông dân sản xuất ra; Hội Nông dân tỉnh cần chủ động đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động của Chương trình với Sở Khoa học và Công nghệ.

Thay mặt Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - Kỹ thuật - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020.

II. Tổ chức các lớp tập huấn.

Năm 2015, tổ chức tập huấn cho 10 tỉnh với 30 lớp có sự tham gia của 2700 nông dân về sử dụng chế phẩm AT vi sinh xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng. Xử lý trực tiếp 1572 ha tạo ra 1.965.600 kg phân hữu cơ vi sinh; đồng thời hướng dẫn cho nông dân phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh bón cho đồng ruộng, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường sống ở cộng đồng dân cư.

Kết quả tập huấn tại các tỉnh, hội viên nông dân được dự học rất phấn khởi, nhận thấy kiến thức khoa học kỹ thuật rất thiết thực hiệu quả đối với tất cả hội viên và các cấp Hội. Các học viên lớp tập huấn đề nghị với Ban tổ chức lớp nên tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa để nhân rộng mô hình tới các cấp Hội cơ cở.

III. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền về KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng

1. Tổ chức phổ biến kiến thức và hướng dẫn tiến bộ KHKT trên Website "Khoa học cho Nhà nông".

Được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Tin học - Bộ Khoa học và Công nghệ, kênh tuyên truyền này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên nông dân. Năm 2015 phối hợp với một số nhà khoa học, các cộng tác viên, các tổ chức khoa học trong nước đã thực hiện biên tập và đưa 570 tin về khoa học công nghệ; 80 bài về quy trình và kinh nghiệm trong sản xuất; 366 bài phản ánh gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; bài viết về quy trình sản xuất cây, con giống, quy trình về sử dụng phân bón trong trồng trọt, thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; về giá cả, thị trường tiêu thụ; bài sưu tầm 124 bài... để tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân truy cập thông tin.

Qua đó đã giúp cho nông dân có thêm kiến thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm chữa bệnh cho gia súc, gia cầm… mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt nó có sức cổ vũ mạnh mẽ rất lớn trong việc nông dân áp dụng KHCN mới vào sản xuất.

2. Xuất bản và phát hành Bản tin "Khoa học với Nhà nông".

Trong năm 2015 đã xuất bản và phát hành 12.000 cuốn đến các cấp Hội và hội viên nông dân cả nước với 77 tin khoa học công nghệ, 32 bài hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, phản ánh 52 gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Bản tin đã tăng thêm trang, mở thêm các chuyên mục mới để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và hội viên nông dân toàn quốc. Bản tin đã đề cập đến những sự kiện chính trị - xã hội của Trung ương Hội và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bản tin đăng và chuyển tải các bài, tin, các giải pháp KH&CN, giới thiệu, hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường, nuôi trồng thủy sản… hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, sử dụng các loại rau an toàn, cây dược liệu, hoa quả... Đặc biệt Bản tin còn cộng tác với các nhà khoa học, các đơn vị, cơ quan chuyên ngành phối hợp thực hiện mục “Trả lời bạn đọc”. Bản tin là cầu nối để nông dân nắm bắt được kiến thức về KHCN, đăng tải những kinh nghiệm, gương nông dân điển hình tiên tiến, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để cho nông dân học tập, tham khảo giúp nhau xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Đây là ấn phẩm rất thích đối với nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vì các vùng này tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, nên thông tin rất thiếu.

3. Xây dựng, in sao và phát hành VIDEO CLIP hướng dẫn quy trình trồng cây Ba kích.

Phối hợp với Hội Nông dân Bắc Giang tổ chức xây dựng VIDEO CLIP hướng dẫn quy trình trồng cây Ba kích từ kết quả Dự án Khoa học công nghệ: Xây dựng mô hình trồng cây Ba kích dược liệu dưới tán cây ăn quả và cây lâm nghiệp tại Sơn Động, Bắc Giang. In sao và phát hành 3500 đĩa cho nông dân thuộc 30 tỉnh.

C. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ MIỀN NÚI VÙNG SÂU, VÙNG XA BIÊN GIỚI HẢI ĐẢO NĂM 2015”

I. Xây dựng và phát hành VIDEOCLIP

1. Gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ưu tiên nêu những tấm gương người dân tộc thiểu số để tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến của cán bộ, hội viên nông dân ở các thôn ấp, bản làng có kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến nông sản.... đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xoá đói, giảm nghèo, làm giầu, giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và đẩy mạnh hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong tham gia xây dựng nông thôn mới (8 mô hình) và in sao để phát hành cho Hội Nông dân 54 tỉnh, 472 huyện, 4820 xã, 3000 điểm bưu điện văn hóa xã, nộp Lưu chiểu và gửi các cơ quan quản lý theo quy định.

Có được những kết quả trên đây trước hết đó là  có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, của Thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo Ban Tuyên huấn, sự tạo điều kiện thuận lợi của Văn phòng, sự phối hợp với các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội; Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các Vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật), sự nỗ lực, cố gắng của Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành có liên quan và đặc biệt là sự tham gia tích cực của hội viên, nông dân. Có sự quan tâm và phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận với Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KH&CN, tuyên truyền vận động hội viên nông dân cả nước tích cực tham gia, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu qủa hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, tập thể, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ; nâng cao trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, kinh doanh và dịch vụ của nông dân. Trong đó nhấn mạnh các nội dung sau:

Tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức hoạt động và phổ biến kiến thức, trong đó chú trọng việc ứng dụng các thành tựu tiên tiến trong hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Hướng dẫn, khuyến khích và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh nhằm giúp cho nông dân giảm nghèo, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

Năm 2016 cần tập trung vào những nội dung cụ thể sau:

1. Tiếp tục triển khai 02 đề tài và 01 dự án chuyển tiếp năm 2015 - 2016 đã phê duyệt năm 2015.

2. Tổ chức triển khai 02 đề tài cấp Bộ đã được Hội đồng khoa học cơ quan thẩm định thuyết minh đề cương.

3. Tổ chức triển khai 2 dự án xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt (sản xuất rau quả vụ đông trái vụ) và chăn nuôi (nuôi thỏ Newzealand bán công nghiệp).

4. Mở rộng chương trình tập huấn: Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng và xử lý chất thải trong trồng trọt và chăn nuôi.

5. Tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VIETGAP.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Bản tin khoa học với Nhà nông và trên Website khoahocchonhanong.com.vn.

7. Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật Nhà nông lần thứ VII.