00:00 Số lượt truy cập: 2668180

Nâng cao giá trị cây chè vùng cao Yên Bái 

Được đăng : 03/11/2016

Nói đến chè Shan tuyết ở Yên Bái thì cây chè cổ thụ Suối Giàng huyện Văn Chấn, hay chè Shan tuyết Phình Hồ ở huyện Trạm Tấu đã trở thành thương hiệu và được vinh danh Thương hiệu chè Việt.


Đoàn công tác Hội đồng tỉnh Val de Marne thăm vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, 
huyện Văn Chấn. Ảnh: Báo Yên Bái

Cây chè Shan tuyết đã gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; trong đó, chủ yếu là người Mông và trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đời sống của họ. Để phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào vùng cao, tỉnh Yên Bái đã và đang chú trọng nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết.


Tỉnh Yên Bái hiện đã xã xây dựng Đề án “Phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu là phát triển vùng chè hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến để tăng thu nhập cho người nông dân và các doanh nghiệp làm chè. Đồng thời, xây dựng các vùng, các điểm nòng cốt để phát triển cho toàn vùng; phát triển vùng chè gắn với việc bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước hình thành các vùng sản xuất chè bền vững ở vùng cao như Suối Giàng, Phình Hồ, Gia Hội, Nậm Búng, Púng Luông, Nậm Khắt.... Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 có tổng diện tích chè vùng cao trên 3.385 ha; trong đó, có 800 ha chè Shan công nghiệp; sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 tấn, chế biến 1.600 tấn chè khô thành phẩm, đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến công suất 5 tấn chè búp tươi/ngày và giá trị thu nhập từ chè búp tươi ước đạt trên 35 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch và thực hiện đề án với các giải pháp về vốn đầu tư, giống, kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển chè vùng cao như: hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng mới chè Shan mật độ 3.000 cây/ha; hỗ trợ trồng chè Shan mật độ cao 3 năm kiến thiết cơ bản (hỗ trợ giống 4 triệu đồng/ha, hỗ trợ công phá bỏ chè cũ đối với diện tích trồng thay thế 2 triệu đồng/ha…). Qua đó, người dân vùng cao đã có thu nhập từ ngày công lao động, có chè để bán nên họ có ý thức hơn trong việc trồng và chăm sóc chè Shan gắn với việc phát triển diện tích rừng phòng hộ, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sống.

Cùng với đó, Yên Bái còn hợp tác với Hội đồng tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) đầu tư Dự án Hỗ trợ phát triển bền vững và gia tăng giá trị kinh tế thương hiệu chè Suối Giàng để cải tiến hệ thống quản lý và canh tác của nông hộ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được tổ chức chứng nhận có uy tín trên thế giới cấp chứng nhận “sản phẩm chè hữu cơ”, chứng nhận “thương mại bình đẳng” cho sản phẩm chè Suối Giàng. Đồng thời, cải tiến hệ thống cơ sở chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, xuất khẩu sản phẩm chè Suối Giàng sang Pháp và châu Âu với giá bán tương đương với chè hữu cơ trên thế giới...

Chè Shan tuyết được trồng ở Yên Bái tập trung tại 32 xã, thị trấn thuộc vùng cao Yên Bái, từ Suối Giàng của huyện Văn Chấn đến các xã Bản Công, Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau của huyện Trạm Tấu đến Púng Luông, Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải... Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 2.430 ha; trong đó có trên 2.000 ha đang được thu hoạch, năng suất trung bình 25,3 tạ/ha, sản lượng gần 5.100 tấn/năm./.

Đức Tưởng/TTXVN