00:00 Số lượt truy cập: 2637537

Ngăn chặn dịch lợn tai xanh bằng dung dịch anôlit 

Được đăng : 03/11/2016
Từ đầu tháng 4 đến nay, dịch tai xanh ngày càng lan rộng ra nhiều tỉnh, số lợn bị bệnh và số lợn chết ngày càng nhiều, riêng số lợn người dân bán tống bán tháo không thể tính nổi.


Người nuôi lợn đang khốn quẫn, thị trường bị ảnh hưởng xấu, người tiêu dùng thiếu thịt lợn.

TS Nguyễn Văn Khải lại có mặt ở vùng dịch bệnh và dùng "vũ khí" duy nhất là vệ sinh cho lợn và chuồng trại bằng cách dùng dung dịch anôlýt, nước muối loãng và đèn khử khuẩn, khử mùi vì theo TS, khi bị tai xanh, lợn còn có thể bị mắc các bệnh khác như tụ huyết trùng, tiêu chảy, dịch hạch... chứ không chỉ bị liên cầu khuẩn tấn công tạo ra bệnh trên đường hô hấp. Dưới đây là cách ngăn chặn dịch lợn tai xanh của TS Khải.

Về vệ sinh chuồng trại thì phải diệt virus, vi khuẩn bằng cách: - Tận dụng ánh nắng mặt trời và tận dụng sức gió, phải vén các màn che, mở các ô thoáng ở tường phía sau chuồng. Thậm chí thả lợn ra vườn hoặc hành lang có nắng rọi tới.

Rửa chuồng sạch sẽ bằng nước giếng khoan. Không rửa bằng nước ao bẩn. Không để đọng nước tiểu, phân trên sàn chuồng. Có thể rửa chuồng nhiều lần trong 1 ngày.

Dùng nước muối pha loãng 200-500 gam/lít nước giếng khoan rửa sàn chuồng, tường, đặc biệt là phía trần, mái của chuồng tốt nhất là dùng anôlýt tỉ lệ 5%, vì nơi này chứa khuẩn nhiều nhất.

Đồng thời cho lợn uống nước muối nhạt. Khi trời lạnh hoặc vào ban đêm, phải cho lợn uống nước muối loãng ấm hoặc anôlýt tỉ lệ 5% và thường xuyên rửa vú cho lợn mẹ.

Làm các chuồng nhỏ có vải bạt dứa bao quanh cho lợn con ngủ đêm. Lắp các đèn khử khuẩn LED màu xanh 0,5W-thắp liên tục 1 tháng hết 200 đồng tiền điện. Nếu trời lạnh dùng đèn khử khuẩn 13-20W.

Lợn bị xây xước do cắn nhau phải phun ngay anôlýt nồng độ 20% hoặc đặc hơn. Sau đó phun catolyts vào vết thương, sẽ không bị mủ, chóng lên da non. Lợn bị tai xanh khó thở, ít ăn cho uống anôlýt, cho ăn thức ăn khô và tươi đã ngâm anôlýt ít nhất 5 phút, đặc biệt phải phun anôlýt vào mồm, vào mũi của lợn. Lúc đầu lợn chưa quen còn đứng xa, sau đó sẽ chạy lại uống anôlýt tỉ lệ không ít hơn 10%.

Với lợn nằm không chịu ăn phải dùng xilanh phun anôlýt vào mồm lợn ít nhất 5 lần, mỗi lần cách nhau 2 giờ bằng xilanh 50 phân khối. Nếu lợn đi tiểu đứng dậy, tức là lợn có thể sẽ khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Thế Trường - Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc - khẳng định: 10 xã ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, 15 trang trại lớn làm theo cách hướng dẫn của TS Nguyễn Văn Khải nên từ năm 2003 đến nay không hề có bệnh tật gì trên gia súc, gia cầm. Anh Phạm Đức Chung ở Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương, số điện thoại 0983624849 cho biết, gia đình anh nuôi hơn trăm con lợn, bị chết mất hai phần ba.

Chiều 14.4, được sự giúp đỡ của TS Hà Bạch Đằng - GĐ Sở KHCN Hải Dương và được sự cho phép của một vị phó chủ tịch tỉnh, TS Khải đã đến giúp anh Chung dập dịch. Nay đàn lợn bị dịch và có triệu chứng nhiễm dịch đã khoẻ. Kinh nghiệm này đã được các hộ trong thôn làm theo và giữ được lợn không mắc bệnh dịch.

Tiến sĩ Hoàng Văn Nam - quyền Cục trưởng Cục Thú y, người kiên quyết cứu lợn, phản đối giết lợn hàng loạt, chôn tuỳ tiện bán tháo, giấu tin, ngày 12.5 đã trực tiếp nói chuyện bằng điện thoại khuyên người dân Hưng Yên làm theo cách của TS Khải. Đây chính là “cái phao” của bà con để cứu lợn khỏi bệnh.