00:00 Số lượt truy cập: 2637642

Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ: Gìn giữ và phát triển 

Được đăng : 03/11/2016
Từ lâu, chiếu Hới của làng Tân Lễ (Hưng Hà - Thái Bình) đã nổi danh vì độ bền, đẹp. Giờ không chỉ “bơi” trong “ao” làng, chiếu Hới đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nghề dệt chiếu cũng trở thành hướng làm giàu của nhiều gia đình nơi đây.


Xưởng chiếu của DN tư nhân Dũng Tiến.

Bám đất, giữ nghề

Tương truyền, ông tổ nghề chiếu là Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, năm 1484, ông được dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang sứ nhà Minh (Trung Quốc), đến vùng Quế Lâm, ông thấy nghề dệt chiếu ở đây phát triển, liền vào xem và học hỏi kỹ thuật dệt của họ. Về nước, ông đã truyền dạy lại cho dân làng Hới (Hải Triều).

Tuy là nghề phụ nhưng nghề dệt chiếu mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Tân Lễ. Những chiếc chiếu hoa, chiếu trắng, chiếu trổ đầy màu sắc được làm từ bàn tay khéo léo, cần cù của người dân nơi đây đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Ngày nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã dần bỏ lối dệt thủ công, thay vào đó họ dùng máy để sản xuất. Bà Nguyễn Thị Yến, người gắn bó với nghề từ nhỏ, chia sẻ: “Bây giờ trong làng ít người dệt chiếu thủ công như tôi, nhiều hộ đã chuyển sang dệt bằng máy để đáp ứng đủ lượng tiêu thụ của thị trường… Việc dệt bằng máy đem lại lợi nhuận cao hơn so với thủ công nên đa số các hộ còn tâm huyết bám nghề cũng dần chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã

Bước cải tiến rõ nét nhất của làng nghề là từ năm 2005, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc để thay thế sức lao động của con người, nâng cao năng suất và cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Ông Dũng, chủ doanh nghiệp tư nhân Dũng Tiến, chia sẻ: “Gia đình tôi có mấy đời theo nghề dệt chiếu, lớn lên mặc dù không trực tiếp làm chiếu nhưng tôi kinh doanh nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất chiếu. Từ năm 2005, nhận thấy thị trường chiếu dệt thủ công ngày càng thu hẹp, tôi cùng gia đình mạnh dạn đầu tư mua 6 máy dệt chiếu nhựa công nghiệp. Hàng tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường hàng vạn lá chiếu”.

Đến nay, cơ sở sản xuất của ông Dũng có 60 máy dệt chiếu nhựa và chiếu cói, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ghé thăm cơ sở sản xuất chiếu của ông Nguyễn Hữu Bắc, ông chia sẻ: “Xưởng sản xuất của tôi được mở rộng từ năm 2011, đến nay có khoảng 80 máy dệt chiếu nhựa và chiếu cói, tạo việc làm cho 200 công nhân, với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng”.

Chiếu Hới giờ không chỉ “bơi” trong “ao làng” mà đã vươn ra “biển lớn”. Tân Lễ hiện có 6 cơ sở dệt quy mô lớn, chưa kể các hộ sản xuất nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ có từ 1 - 3 máy dệt. Nghề dệt chiếu đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, song toàn xã vẫn duy trì 61 máy dệt chiếu cói cùng hơn 200 máy dệt chiếu nylon, sản xuất được hơn 4,6 triệu lá chiếu, trị giá hơn 225 tỷ đồng,

Tân Lễ giờ đã thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; xã đã cán đích nông thôn mới. Để Tân Lễ duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, góp phần gìn giữ và làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương.         

Thanh Hoa