00:00 Số lượt truy cập: 2667057

Nghi Lộc, Nghệ An: Lạc là cây chống hạn và cây làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Ở Nghệ An trước đây cứ nhắc đến cây lạc thì người ta cho rằng không có nơi nào bằng Diễn Châu cả về diện tích sản lượng và năng suất. Nhưng hiện nay Nghi Lộc là địa phương có diện tích trồng lạc cao nhất tỉnh. Năm 2005 diện tích trồng lạc ở Diễn Châu là 4.267 ha, trong khi đó diện tích trồng lạc của Nghi Lộc lên tới 6.282 ha.


Những năm tiếp theo Nghi Lộc đều hơn hẳn Diễn Châu về diện tích. Năm nay, không những hơn về diện tích gần 1000 ha mà năng suất sản lượng vùng quê này cũng vượt đơn vị được gọi là "Vua lạc". Cụ thể toàn huyện Nghi Lộc trồng 4.800 ha, đạt tổng sản lượng 12.947 tấn, tăng 1.468 tấn so với năm ngoái; tính rabình quân đạt 27,03 tạ/ha, tăng 2,41tạ/ha so với năm ngoái. Những xã có năng suất lạc cao như Nghi Phong, Nghi Liên, Nghi Trung... tiếp tục dẫn đầu năng suất toàn tỉnh, những xã miền núi như Nghi Văn, Nghi Hưng vẫn đạt năng suất cao hơn Diễn Châu. Nghi Văn (362ha đạt năng suất 26,5 tạ), Nghi Hưng đạt 27 tạ/ha. Liên tục trong 7 năm trở lại đây sản lượng toàn huyện tăng đều đặn ổn định). Với kết quả đó cây lạc đã chiếm ưu thế so với các loại cây trồng khác trên đồng đất Nghi Lộc. Riêng vụ lạc xuân năm nay, đến thời điểm này trên địa bàn đã bán ra thị trường trên 700 tấn, chiếm gần 40% sản lượng của tỉnh.

Anh Trần Quốc Hiển PCT huyện Nghi Lộc cho biết: "Năm nay huyện được mùa cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Đây cũng là năm đạt kết quả cao nhất từ trước đến giờ, chúng tôi sẽ chú ý chỉ đạo thâm canh phấn đấu năm 2010 đạt năng suất 27- 28tạ/ha, kể cả lạc thu và đông". Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao cây lạc lên ngôi và biện pháp được mùa vụ xuân này, Phó chủ tịch huyện cho biết thêm: "mặc dù từ ngàn đời nay cây lúa, cây khoai là cây trồng chính và có tính quyết định đến đời sống của đại bộ phận bà con nông dân nơi này, nhưng gần đây bà con biết so với nhiều loại cây trồng khác thì làm lúa rất vất vả, hiệu quả thấp, điều kiện tự nhiên, đất đai thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết của địa phương Nghi Lộc là rất thuận lợi cho việc trồng lạc. Bên cạnh nhận thức của dân cao như vậy, huyện cũng đầu tư mạnh mẽ cho công tác thuỷ lợi nhất là công việc bê tông hoá, kênh mương phục vụ tưới tiêu vùng màu... Được sự hỗ trợ cao của tỉnh trong việc triển khai dự án "tiêu úng đồng màu"; hiện nay huyện đang triển khai và đi vào hiệu quả. Có thể nói phần lớn diện tích vùng màu trên địa bàn khi gặp mưa đã tiêu úng kịp thời và chủ động cơ bản nước tưới mùa khô hạn. Bằng cách tính toán cây lạc có lợi, lại được thuỷ lợi đảm bảo nên bà con chuyển diện tích trước đây trồng ngô, khoai sang trồng lạc và ngay cả cây lúa ở vùng cao cưỡng năng suất thấp cũng được chuyển sang trồng các thứ cây thời gian ngắn, chăm bón nhàn hơn mà sản phẩm tiêu thụ dễ hơn. Từ đó 34 đơn vị trong huyện đều có diện tích trồng lạc và họ tìm thấy công thức canh tác có hiệu quả cho mỗi vùng đất. Đó là công thức hai lạc + một lúa; Hoặc hai lạc một rau, đưa giá trị lên hơn 50 triệu đồng/ ha. Bây giờ cây lạc vừa là cây chống hạn vừa là cây làm giàu quê tôi".

Chúng tôi đến một số xã huyện Nghi Lộc thấy bà con cũng có nỗi buồn chung là năm nay do thời tiết bất thuận nên bị mất mùa nhưng bù lại được mùa lạc và giá lạc cũng bán được cao. Ngay đầu vụ bán lạc tươi tại ruộng 650.000đồng/1tạ. Tìm hiểu về nguyên nhân được mùa bà con cho biết nét chung nhất là thời tiết cơ bản phù hợp cho giống lạc mới. Nếu trời không rét, nhiệt độ ẩm, nóng bất thuận cho cây lúa lai thì lại tạo điều kiện cho cây lạc nảy mầm đều, không bị chết rét như mọi năm. Và sinh trưởng ra hoa tốt. Đến khi lạc ra hoa lại có mưa nên được mùa nhất từ trước đến giờ. Riêng về giống lạc, ở đây bà con trồng 100% là giống mới, chủ yếu là L14. Giống này cho năng suất cao, chất lượng tốt (củ đều, chắc, sáng, tỉ lệ thành trên 70%), ngoài ra còn có giống lạc Sán Dầu (trồng gần 100 ha, mới đưa vào trồng trên đất thâm canh) cũng có ưu điểm là chịu được sâu bệnh, năng suất cao. Về chăm bón, năm nay bà conđầu tư cao hơn vì thấy lạc bán được giá.

Kỹ thuật trồng phủ ni lông cũng được áp dụng rộng rãi. Có gần 1.000 ha lạc phủ ni lông năng suất đạt rất cao. Anh Quang trưởng phòng Nông Nghiệp huyện cho biết thêm b à con có tập quán trồng xen cây ngô trên diện tích lạc. Cách đó cũng cho giá trị kinh tế chẳng hạn hơn 1.000ha trồng xen ngô trên lạc như vậy (chủ yếu là giống ngô nếp) cho thu nhập bình quân 1 sào (không kể lạc) thêm từ 300.000- 400.000 đồng. Tổng cộng mỗi ha thu được từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm.

Được mùa lạc, nhân dân hăng hái làm vụ hè thu. Đến thời điểm này đồng lạc Nghi Lộc đã được giải phóng, 2.000 ha vừng, 500 ha ngô, đậu và lúa hè thu đã lên xanh. Vậy là trong 7 năm trở lại đây, Nghi Lộc liên tục tăng diện tích trồng lạc (năm 2000 diện tích chưa đầy 4.000ha, đến nay mỗi vụ xuân đã là 4.800 ha và năng suấtlạc đã vượt trội ở Diễn Châu. Do vậy vương miện "Vua lạc" theo chúng tôi, đã xứng đáng trao cho Nghi Lộc.