00:00 Số lượt truy cập: 2638161

Người Mông Đồng Tâm làm giàu từ cây sắn 

Được đăng : 03/11/2016
Sau gần 5 năm kể từ ngày chúng tôi đến với bản người Mông Đồng Tâm- Động Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên), nay mới có dịp trở lại. Con đường ghồ ghề, khấp khểnh trước kia nay đã được thay thế bằng đường bê tông, đường cấp phối phẳng phiu; những mái nhà ngói thay thế những ngôi nhà tranh nhỏ bé xiêu vẹo; ngoài vườn hoa vải, hoa xoài… nở trắng toả hương dìu dịu.




Bất ngờ hơn khi chúng tôi vào thăm một số gia đình người Mông ở Đồng Tâm. Nhà nào cũng có trâu đầy chuồng; ti vi màu màn hình phẳng; tủ tường; bàn ghế sa lông phô tơi… Tôi hỏi anh Lý Văn Dĩa, Trưởng xóm Đồng Tâm: Cả xóm có bao nhiêu gia đình được như thế này?

- Khoảng trên 10 gia đình!

- Còn bao nhiêu hộ phải ở nhà tranh vách đất?

- Chỉ còn 2/33 hộ thôi!

Đứng giữa cánh đồng xóm Đồng Tâm, chúng tôi đưa mắt bao quát được cả một vùng rộng lớn-màu xanh của vườn bãi, màu nâu của đất đai được cải tạo tơi xốp, màu đỏ của những mái ngói… tạo nên một bức tranh với những gam màu no đủ.

Vợ chồng anh chị Lý Văn Cau vừa đèo nhau bằng xe máy từ chợ về, thấy khách vào chơi tỏ ra rất vồn vã. Chồng ngồi pha nước, vợ nhanh nhảu xuống bếp luộc một nồi sắn bở tung mang lên mời khách. Anh Cau vừa mời chúng tôi ăn sắn vừa giải thích: Chính cây sắn đã giúp người Mông Đồng Tâm thoát được cảnh đói nghèo à! Cây ngô, cây mía, cây hoa vàng Đài Loan… đã không thích hợp với đất đai ở đây. Bao nhiêu năm chúng tôi vất vả với những loại cây trồng đó mà chưa bao giờ được đủ ăn. Nay nhờ trồng cây sắn còn có tiền mua tivi, xe máy… không phải đi bộ như trước nữa. Mỗi vụ sắn, gia đình chúng tôi thu hơn 30 tấn, bán được trên 15 triệu đồng cộng với chăn nuôi trâu, lợn, gà… cho tổng thu nhập trên 20 triệu đồng/năm.

- Anh Cau nói đúng đấy! Trưởng xóm Dĩa khẳng định: 3-4 năm nay nhờ đưa cây sắn cao sản vào trồng, kết hợp với chăn nuôi gia cầm, gia súc, bộ mặt xóm Đồng Tâm đã thay đổi nhiều. Hầu hết số hộ trong xóm mua được xe máy có giá trị từ 8-12 triệu đồng, có gia đình mua được 2-3 xe máy, chỉ có nhà nào không có người biết đi mới không mua thôi à; 99% số hộ có ti vi… Người Mông Đồng Tâm đã được cán bộ đưa cây trồng phù hợp vào gieo trồng, hướng dẫn kỹ thuật tận tình, nên sản lượng thu được năm sau cao hơn năm trước, đời sống phát triển, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào Mông chúng tôi. Tết vừa qua, tất cả các hộ trong xóm đều được đón Tết, vui Xuân trong không khí đầm ấm, vui vẻ vì không phải lo cứu đói như trước nữa. Chúng tôi tổ chức tung còn, kéo co, giao lưu văn hoá, văn nghệ với các xóm, bản người Mông ở Đồng Hỷ, Võ Nhai vui lắm…

Câu chuyện bên rổ sắn nóng hổi toả mùi thơm ngọt bùi cứ rôm rả quên cả thời gian, nếu tôi không hỏi anh Dĩa: Đồng Tâm còn phải đối mặt với khó khăn gì nữa không? Không khí bỗng trở lên trầm lắng, nghĩ ngợi một lúc anh Dĩa nói: Vẫn là vấn đề về nước thôi chị ạ! Bể nước sạch Nhà nước đầu tư gần 1 tỉ đồng đưa vào sử dụng chưa được 2 tháng đã nằm im như thóc. Cứ khi nào cán bộ đến thăm thì có nước, cán bộ về thì lại mất nước. Đến nay, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như hư hỏng hoàn toàn. Trạm bơm nước tưới tiêu thì công suất nhỏ, cũng không thể cứu khát cho cả vùng đất rộng mấy chục ha. Thiếu nước nhiều loại cây trồng không trụ lại được ở đất này, may có cây sắn cao sản vài năm nay đời sống của đồng bào Mông mới được khấm khá hơn. Nhưng để ổn định lâu dài thì chúng tôi cũng chưa dám tin tưởng…

Để có thành công ít, nhiều phải trải qua những thất bại, trong đói nghèo phải nuôi chí vươn tới ngày ấm no, nỗi lo của anh Dĩa không phải là không có cơ sở. Nhưng chúng tôi tin với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo, người Mông Đồng Tâm sẽ đoàn kết một lòng vượt qua tất thảy khó khăn để xây dựng đời sống ngày càng phát triển…