00:00 Số lượt truy cập: 2668506

Người vào núi làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016
Đến xã Châu Bình thuộc huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An chúng tôi thực sự khâm phục tấm gương Trần Văn Phương biết vượt lên trong gian khó để làm giàu. Nhà anh ở xóm 3/4 nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài, bởi các con còn bận học, còn vợ chồng thì luôn cắm chốt ở vùng sâu để chăm lo làm trang trại…

Địa điểm mà Phương chọn lựa để làm trang trại lúc đó không còn chỗ nào tốt như mong muốn mà chỉ còn lại những quả đồi hoang trơ trọi ở Bãi Bùng (giáp ranh với tỉnh Thanh Hoá). Tuy vậy ở dưới các triền đồi là những dòng khe, có thảm cỏ mọc dày. Anh bảo: Địa điểm này tuy cách xa nhà khoảng 15km với đường đi cheo leo, lên đèo xuống thác, nhưng lại có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển nghề chăn nuôi. Ngày mới vào đây ai cũng bảo em "hâm", bởi đất đai cằn cỗi vậy thì làm nên cơm cháo gì mà hy vọng. Tuy vậy với sức trẻ của mình, cộng với nghị lực muốn vươn lên nên Phương đã gạt bỏ ngoài tai tất cả những lời dèm pha dị nghị. Việc đầu tiên của Phương khi mới vào đây cắm lều làm trang trại là thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Nghĩa là phải đào một cái ao thả cá để cung cấp thực phẩm. Anh bảo phải mất hàng tháng trời còng lưng cõng từng thúng đất từ trên đồi cao xuống mới chặn được một lạch khe. Sau đó lại phải nạo vét, be bờ rồi khơi tràn cho thoát lũ. Hoàn chỉnh xong ao thả cá, Phương nuôi thêm 100 con gà rồi ngày nào cũng trằn mình lên phát dọn sim mua và lau lách trên các quả đồi. Thế rồi sau khi đã khoanh vùng được 24 ha đất, Phương về bàn với vợ đi vay ngân hàng và bạn bè 100 triệu đồng. Anh tính số vốn ấy phải trích ra một nửa để nuôi bò sinh sản, số còn lại dùng vào việc thuê mướn 6-10 nhân công để cùng mình thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu. Có cô vợ hợp lực, Phương thấy mình như được mạnh thêm. Hàng ngày anh cùng đội ngũ nhân công dùng xà beng, cuốc chim san đồi, xẻ núi, đào rãnh theo các đường đồng mức rồi phân chia ra đào 1.600 hố cây/ha. Xong việc, Phương lại đánh xe đi nhận giống keo lai và bạch đàn cao sản của Lâm trường Cô Ba về trồng.

Vất vả lắm, nhưng bây giờ đứng trên đồi cao rì rào sóng gió, Phương đưa tay vẽ một cung tròn thật lớn rồi hớn hở khoe với chúng tôi: Trước đây khu vực này toàn là đất đai trơ cằn sỏi đá, vậy mà bây giờ nó đã trở nên một màu xanh bát ngát. 24 ha keo lai và bạch đàn cao sản của em trồng từ tháng 5/2003 đến cuối năm 2004 nhưng đến nay tất cả đều đã được khép tán vươn cao, ấy là nhờ có công chăm bón đúng kĩ thuật, lại được thường xuyên tưới nước để lưu giữ độ ẩm cho cây. Tại đây ngoài việc trồng rừng ra, Phương còn khai khẩn được đất đai ở mép khe, bờ suối để trồng trỉa thêm hoa màu và lúa nước. Hằng năm Phương còn nuôi được 30 con bò sinh sản, lại có ao thả cá, còn gà vịt thì không đếm xuể.