00:00 Số lượt truy cập: 2637476

Nguyên nhân gây bệnh nhiệt thán 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh gây ra do vi khuẩn nhiệt thán Bacillus anthracis.

1. Hình thái

Bacilus anthracis là loại trực khuẩn lớn, 2 đầu vuông kích thước 1 - 1,5´ 4 - 8mm. Vi khuẩn hiếu khí, không có lông, không di động, có hình thành nha bào và giáp mô. Bắt màu Gram dương. 


Trong môi trường dinh dưỡng, vi khuẩn xếp thành chuỗi dài hình thành nha bào hình bầu dục nằm ở giữa thân vi khuẩn.

Nếu làm tiêu bản vi khuẩn từ bệnh phẩm thấy vi khuẩn hình thành chuỗi ngắn hoặc đứng riêng lẻ và được bao bọc bằng giáp mô.

+ Giáp mô và điều kiện hình thành: Giáp mô là yếu tố độc lực của vi khuẩn nhiệt thán, giúp vi khuẩn chống lại được sự thực bào của các loại tế bào bạch cầu thực bào trong cơ thể vật chủ. Vì vậy, chỉ khi đã xâm nhập vào cơ thể con vật để gây bệnh, vi khuẩn mới hình thành giáp mô, giáp mô có sức đề kháng cao với nhiệt độ và sự thối rữa.

Trong cấu trúc của giáp mô có một thành phần được gọi là kết tủa tố nguyên có khả năng gây phản ứng kết tủa mạnh với kháng thể tương ứng.

Dựa vào hiện tượng này người ta làm phản ứng kết tủa tạo vòng để chẩn đoán bệnh. Phản ứng được Ascoli phát hiện nên có tên là phản ứng Ascoli.

+ Nha bào và điều kiện hình thành: Để vi khuẩn nhiệt thán hình thành nha bào, cần có các điều kiện sau:

- Có đầy đủ oxy tự do (điều kiện này không thể có khi vi khuẩn ở trong cơ thể ký chủ)

- Nhiệt độ từ 12 - 420C

- Có độ ẩm nhất định

- Nghèo chất dinh dưỡng

- Môi trường có pH trung tính hoặc hơi kiềm.

Vì vậy, vi khuẩn chỉ có thể hình thành nha bào khi ra khỏi cơ thể của con vật bị bệnh hoặc khi nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo.

Vì nha bào có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong tự nhiên và là nguồn lây bệnh cực kỳ nguy hiểm nên trong thực tế người ta cấm mổ súc vật bị bệnh để ngăn chặn sự hình thành nha bào của vi khuẩn.

Nha bào rất khó bắt màu nên phải dùng phương pháp nhuộm đặc biệt như phương pháp nhuộm Ziehl - Nielsen.

+ Độc tố của vi khuẩn

Chủng vi khuẩn có độc lực mang 2 plasmid (pXO1 và pX02) chứa gen mã hoá để sản sinh độc tố và giáp mô.

Độc tố của vi khuẩn gồm 3 loại protein cùng phối hợp: protective antigen (PA, 83 KDa), lethal factor (LF, 87 KDa) và edema factor (EF, 89 KDa). Bacillus anthracis sản sinh độc tố gây phù nề (edema toxin - bản chất là một adenyl vòng, do PA và EF kết hợp hoạt động) và độc tố gây chết (lethal toxin - có thể là metalloprotease do PA và LF kết hợp).

2. Nuôi cấy

Vi khuẩn hiếu khí dễ nuôi cấy trong các môi trường thông thường với nhiệt độ từ 12 - 420C, pH từ 7 - 7,4.

+ Môi trường nước thịt: Sau 24h có những sợi như sợi bông lơ lửng dọc ống nghiệm rồi lắng xuống đáy thành cặn trắng, môi trường trong, có mùi thơm của bơ, trên mặt môi trường không có màng.

+ Thạch thường: Khuẩn lạc dạng R to, nhám, xù xì, màu tro trắng, đường kính của khuẩn lạc từ 2 - 3mm.

+ Thạch máu: Vi khuẩn không gây dung huyết, xuất hiện những khuẩn lạc dạng S nhiều hơn dạng R. Các khuẩn lạc dạng S có hình tròn mặt lồi, hơi nhăn nheo.

+ Gelatin: Cấy vi khuẩn theo đường chích sâu, nuôi 280C đến 48 giờ vi khuẩn mọc thành những nhánh vuông góc với đường cấy, lan toả ra xung quanh; các nhánh này càng gần bề mặt nuôi cấy càng dài ra, trông giống hình cây tùng lộn ngược.

Nếu nuôi cấy vi khuẩn nhiệt thán ở nhiệt độ 42,5 - 430C, vi khuẩn không hình thành nha bào và độc lực của chúng giảm. Nếu đem vi khuẩn này nuôi cấy ở nhiệt độ 370C, vi khuẩn lại hình thành nha bào nhưng độc lực giảm, được dùng làm giống sản xuất vắcxin nhược độc nha bào nhiệt thán.

Vi khuẩn B. anthracis lên men nhưng không sinh hơi các loại đường glucose, sucrose, maltose và salicin.

Một vài đặc điểm phân biệt Bacillus anthracis Bacillus cereus

 

 

B. anthracis

B.cereus

Khả năng di động

-

+

Dung huyết máu cừu

±

+++

Khả năng khử methylene bleu

±

+++

Lên men salicin

-

+

Mọc ở 450C

-

+

Khuẩn lạc nhày trong môi trường thạch có bicarbonate, bổ sung 20% CO2

+

-

Nhạy với gamma phage

+

-

3. Sức đề kháng

+ Vi khuẩn có sức đề kháng kém, ở 550C vi khuẩn chịu được 55 phút, 600C được 15 phút, 1000C chết ngay. Ánh sáng mặt trời diệt vi khuẩn sau 10 giờ, trong bóng tối vi khuẩn sống được 2 - 3 tuần. Trong xác chết vi khuẩn tồn tại 2 - 3 ngày. Các chất sát trùng diệt vi khuẩn nhanh chóng.

+ Nha bào của vi khuẩn có sức đề kháng mạnh. Với nhiệt độ 1000C chịu được 15 phút, hấp ướt 1200C trong 10 phút, sấy khô 1800C bị giết sau 30 phút. Trong đất, nha bào tồn tại được 20 - 30 năm; trong phân gia súc bị bệnh nha bào tồn tại 15 tháng. Da của súc vật ngâm muối hay vôi, nha bào vẫn tồn tại rất lâu.

Các chất sát trùng phải pha đặc và phải tác động lâu mới diệt được nha bào./.