00:00 Số lượt truy cập: 2638401

Nhà "khoa học nông dân" với những điều kỳ diệu 

Được đăng : 03/11/2016
Với sáng kiến ghép cây tiêu trên gốc cây trầu không và cải tiến máy cày thành máy đào rãnh để ép xanh cho cây càphê, anh Vũ Văn Tam Lang, ở 93 Phan Đình Phùng (TP. Pleiku - Gia Lai) đã trở thành nhà "khoa học" đích thực của Tây Nguyên nắng gió...


Chiếc máy kỳ diệu...

Trước khi “dừng chân” ở lĩnh vực nông nghiệp, anh Lang đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Dấn thân vào nghiệp “chân lấm, tay bùn”, anh mới thấu hiểu sự cơ cực của người nông dân khi mùa vụ thất bát, nhiều hộ dân đành phải bỏ rẫy hoang. 8ha càphê của anh ở xã Chư á cũng không đứng ngoài vòng xoáy do thiên tai, bệnh hại nên mỗi năm chỉ thu được vài chục triệu đồng, gọi là lấy công làm lãi.

Đã nhiều năm anh Lang bất lực nhìn đám rẫy của mình biến thành rừng hoang với các loại dây leo chằng chịt, thuê nhân công làm cỏ và đào rãnh ép xanh thì tốn nhiều tiền nên lãi chẳng còn bao nhiêu, có khi lỗ nặng. Thực tế ấy thôi thúc anh làm sao giảm bớt được số ngày công lao động nhưng vẫn đảm bảo năng suất vườn càphê. ý tưởng cải tiến máy cày cầm tay thành máy đào rãnh banh bồn, ép xanh gốc càphê ra đời trong những ngày tháng gian khó ấy.

Đào rãnh banh bồn, “ép xanh” là công đoạn quan trọng nhất của người trồng càphê - quyết định đến 50% năng suất vụ tới. Vào đầu mùa mưa, bà con phải dùng cuốc đào hố (sâu, rộng 40 x 40 cm), rồi “ép xanh” (chôn các loại cây cỏ rác, cành, lá càphê...) nhằm tạo độ tơi xốp cho đất, giữ độ ẩm trong mùa khô và phòng chống sâu bệnh phá hoại.

Anh Lang đã nghiên cứu từng bộ phận của chiếc máy cày cầm tay, nắm được tính năng kỹ thuật phay đất, làm cỏ và có thể sử dụng vào các việc khác như tưới nước, kéo moóc, xay xát... của máy. Để “biến” máy cày thành máy đào rãnh, anh Lang thêm một lưỡi cày ở phía sau cùng thay vào vị trí trục bánh lái, đồng thời giảm bớt số lưỡi phay từ 18 xuống còn 8 lưỡi cho vừa với chiều rộng của rãnh ép xanh. Khi đưa máy vào sử dụng, hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của anh. ông Đặng Văn Cung, người đầu tiên được anh Lang chuyển giao chiếc máy đào rãnh cho biết: “Trước đây, với 2ha càphê, tôi phải thuê 68 công lao động, tốn 4 triệu đồng, từ khi có máy chỉ mất 400.000 đồng”. Còn anh Lang cũng tiết kiệm được 12, 8 triệu đồng /8ha, chưa kể đến việc giảm công làm cỏ.

Anh Lang cho biết: “Dùng phương pháp ép xanh sẽ hạn chế tối đa việc bón phân chuồng, giữ được độ ẩm cho cây trong mùa khô, tận dụng hết các loại phế phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh, làm tơi xốp đất..., giúp cây càphê phát triển mạnh, tán rộng, năng suất đạt 20-40 kg quả /gốc".

Cho tiêu “bén duyên” trầu

Nhưng có lẽ điều kỳ diệu nhất anh Lang làm được là cho tiêu “bén duyên” với cây trầu không nhằm làm giảm tác hại của sâu bệnh. Trước đây, anh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng đúc trụ bê - tông trồng hơn 1.000 gốc tiêu nhưng do sâu bệnh hoành hành, nhất là bệnh thối gốc nên tiêu chết hàng loạt. Trong lúc chán nản, nhìn vườn tiêu trơ trụ, anh nảy ý định ghép thử dây tiêu lên gốc trầu không, bởi cây trầu cũng hệt thân tiêu, lại khoẻ mạnh, ít bị sâu bệnh.

Từ ý định táo bạo của mình, anh Lang đi tìm dây trầu về trồng để lấy thân ươm vào bầu làm gốc ghép cho tiêu. Cây trầu lên tốt, anh cắt thử mấy đoạn dây ươm vào bầu. Khi trầu đã phát triển, anh ghép dây tiêu vào gốc trầu. Do chưa được học qua trường lớp nên thao tác ghép là công đoạn hết sức khó khăn đối với anh. Lần thứ nhất, ghép xong, sau vài ngày, anh thấy mắt ghép bong ra, trầu đi đằng trầu, tiêu đi đằng tiêu. Không nản chí, quyết tâm tìm hiểu và thấy rằng phải ghép thật nhanh vì mủ của hai loại cây này mau khô. Khi ghép thành công 2 gốc, anh thở phào mừng rỡ. Thấy cây sinh trưởng nhanh, cho ra quả nhiều, anh Lang ghép thêm hơn chục gốc và mạnh dạn ươm 400 bầu trầu chờ đến đúng thời điểm để ghép dây tiêu. Hai cây tiêu có gốc trầu của anh hiện đã phủ kín trụ, trái ra chi chít. Chỉ cho chúng tôi một dãy tiêu có gốc trầu mới trồng cao độ nửa mét, anh Lang cho biết: “Từ khi ghép trầu vào tiêu đến nay, tôi không thấy dấu hiệu của sâu bệnh nữa. Tuy nhiên, nếu được tham gia các lớp học về kỹ thuật chiết ghép cây thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”. Anh đã đăng ký giải pháp ghép tiêu trên gốc trầu tham dự Hội thi sáng tạo do tỉnh Gia Lai tổ chức năm 2006.

Dù chưa có nghiên cứu, kết luận của giới chuyên môn về phẩm chất quả của cây tiêu ghép với trầu không nhưng những gì anh Lang làm được đã chứng tỏ, nếu có ý chí, lòng quyết tâm và niềm say mê sáng tạo thì người bình thường cũng có thể làm nên điều kỳ diệu.