00:00 Số lượt truy cập: 2667906

Nhân giống thành công cây chè đắng bằng hom 

Được đăng : 03/11/2016
Lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu do kỹ sư lâm học Hoàng Quốc Lâm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng) làm chủ nhiệm đã nhân giống thành công cây chè đắng bằng hom, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của Việt Nam về loài cây thân gỗ khó ra rễ, đáp ứng nhu cầu cây giống cho sản xuất và nghiên cứu, vừa hạ đáng kể giá thành mua cây giống.

Cây chè đắng Cao Bằng (có tên khoa học là Ilex kaushue S.Y, thuộc họ Aquifoliaceae) là một loài cây thân gỗ, có thể cao tới 30 mét, đường kính cây tới 1,2 mét. Chè đắng không chỉ có giá trị dược liệu mà còn được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Đến nay chè đắng Cao Bằng đã thực sự trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng đón nhận và có chỗ đứng trên thị trường. Công nghệ nhân giống chè đắng bằng hom dễ triển khai thực hiện, mọi người đều có thể áp dụng để sản xuất cây giống chè đắng hoặc nhân giống một số loài cây thân gỗ khác. Công nghệ này có khả năng áp dụng rộng rãi kể cả người dân vùng sâu, vùng xa để tự chủ động cung cấp giống tại chỗ, giảm chi phí cần thiết. Sau 3 năm áp dụng, công nghệ nhân giống chè đắng bằng hom vẫn đang được áp dụng có hiệu quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các vườn ươm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng mỗi năm sản xuất hàng triệu cây giống cho sản xuất, góp phần khôi phục và khai thác tốt nguồn tài nguyên cây quý bản địa.
Theo kỹ sư Hoàng Quốc Lâm: thành công của công trình là cơ sở khoa học giúp tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án phát triển chè đắng trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích 1.000 ha thời kỳ 2001 - 2006, định hướng phát triển 10.000 ha giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu đưa chè đắng thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu bằng cây chè đắng. Với hệ số nhân giống cao, công nghệ nhân giống chè đắng bằng hom đã hạ giá thành mua cây giống tại thời điểm này từ 8.000 đồng/cây xuống còn hơn 2.000 đồng/cây. /.