00:00 Số lượt truy cập: 2638523

Nhân rộng mô hình trồng ớt xuất khẩu 

Được đăng : 03/11/2016
Chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng ớt xuất khẩu đang là một trong hướng đi mới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân ở xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Đến xã Hà Lâu giữa tháng 12, con đường dẫn chúng tôi vào trung tâm xã bạt ngàn màu xanh của keo rừng. Giữa cánh đồng thôn Co Mười nổi lên màu đỏ của vườn ớt đỏ sai trĩu quả sắp vào vụ thu hoạch. Mô hình này do ông Lý Hoài Sơn (khu Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) mới đầu tư trồng. Đây là mô hình trồng ớt xuất khẩu thí điểm đầu tiên trồng tại xã Hà Lâu, với diện tích 1,1ha. Toàn bộ diện tích này trước đây bà con chỉ cấy được 1 vụ lúa/năm rồi bỏ không. Vì thế, việc đầu tư trồng ớt xuất khẩu tại đây không chỉ tận dụng được diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại xã Hà Lâu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lý Hoài Sơn, chủ mô hình trồng ớt, cho biết: Cuối năm 2014, ông đã trồng thử mô hình ớt xuất khẩu tại xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) và xã Tình Húc (huyện Bình Liêu), năng suất đạt 6 - 8 tấn quả/ha. Từ thành công này, tháng 6-2015 ông tiếp tục triển khai trồng 1,1ha ớt tại xã Hà Lâu. Đến nay, sau hơn 6 tháng trồng, cây ớt phát triển rất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Dự kiến cuối tháng này, ớt sẽ cho thu hoạch. Toàn bộ ớt tươi được bán cho thương lái ở TP Móng Cái với giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.

Trồng cây ớt gồm nhiều khâu như: Làm đất, lên luống, bón phân, trồng, chăm sóc, thụ phấn… đòi hỏi nhiều nhân công lao động. Trong số các công đoạn thì thụ phấn là khâu quan trọng, quyết định đến năng suất cây ớt. Mô hình trồng ớt ở xã Hà Lâu ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ với thu nhập từ 130.000 - 150.000 đồng/ngày công.

Bác Nguyễn Thị Khuấn, một trong 3 lao động thường xuyên, cho biết: Mô hình đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn của địa phương. Công việc trồng ớt không quá vất vả nhưng cho thu nhập tương đối cao. Tham gia mô hình, tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm về các kỹ thuật trồng ớt có thể áp dụng về trồng tại gia đình.

Ông Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu, đánh giá: Mô hình trồng ớt xuất khẩu là mô hình mới được đưa vào sản xuất tại xã với kỹ thuật tiên tiến, áp dụng khoa học hiện đại từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch... Mô hình không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn tác động lớn đến tư duy sản xuất của bà con; phát huy tối đa công năng, hiệu quả hoạt động trên một đơn vị diện tích đất. Đây là mô hình có tính khả thi cao, nhà đầu tư đang cam kết tiếp tục thực hiện và mở rộng diện tích khoảng 3,6ha tại xã vào năm 2016.

Phạm Tăng