00:00 Số lượt truy cập: 2666806

'Nhóm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chè' - những thành công bước đầu 

Được đăng : 03/11/2016

Dự án quốc tế “gắn kết nông dân sản xuất nhỏ với thị trường” do tổ chức “Phát triển nguồn nhân lực Châu á” tài trợ, Trung tâm Khoa học Nông vận Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là đối ứng được triển khai từ tháng 4/2008 đến tháng 12/2009. Chưa đầy hai năm triển khai thực hiện, mặc dù quy mô dự án nhỏ có tính chất làm điểm nhưng hiệu quả mà dự án đem đến lại có ý nghĩa rất thiết thực và gợi mở những vấn đề liên quan đến chính sách đối với hộ nông dân sản xuất chè.





Thay đổi quan hệ đối tác cho người nông dân

Dự án được đầu tư cho nhóm hộ sản xuất chè an toàn gồm 20 hộ ở xóm Phú Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nhiệm vụ của dự án đặt ra là làm thay đổi các quan hệ đối tác giữa các tổ chức cá nhân trong cộng đồng và cao hơn nữa tiến tới sẽ nhằm vào mục tiêu phấn đấu là tăng cường mối quan hệ ngành nghề giữa các tổ chức cá nhân trong khối ASEAN.

Trước mắt, hai mục tiêu lớn nhất của dự án: Một là, thông qua cách vận động, tập huấn thực tế, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị trường để tạo điều kiện cho người nông dân trực tiếp tiếp cận được thị trường bớt khâu trung gian đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất chè; Thứ hai, là làm thế nào để người thụ hưởng dự án, các nhà khoa học, nhà quản lý nghiên cứu cùng xem xét để có chính sách sát hợp với thực tế về cây chè ở Việt Nam.

Trong quá trình triền khai, Ban điều hành dự án luôn có những sáng tạo với các nội dung phong phú, linh hoạt từ việc tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận động các hộ vay tiền mua máy (theo phương trức các nhóm hộ góp tiền cùng với tiền hỗ trợ của dự án để đầu tư mua máy sao chè, xây dựng nhà xưởng...) đến việc tạo điều kiện cho nông dân tham gia hội chợ để chào hàng, tiếp cận trực tiếp với thị trường.

Để triển khai thực hiện tốt dự án, Ban điều hành đã tổ chức đánh giá năng lực sản xuất của các hộ nông dân trong xóm phú Thành và của 5 tổ chức (hợp tác xã, nông trường, doanh nghiệp, công ty chè tại tỉnh Thái nguyên); tập huấn đào tạo phương pháp xây dựng dự án quy mô hộ gia đình cho 20 hộ tham gia (các hộ này sẽ tham gia từ đầu đến cuối của dự án), đào tạo các phương pháp hạ giá thành trong sản xuất chè, kỹ năng sao sấy chè; xem xét, vận động ủng hộ chính sách (tổ chức 2 cuộc Hội thảo); tổ chức cho các hộ gia đình sản xuất chè tham gia trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm chè tại Hội chợ.

Nông dân “dấn thân” vào Maketinh

Xuất phát từ mục tiêu đưa nông dân tiếp cận thị trường, ngoài việc trang bị các kiến thức về lĩnh vực này cho nông dân trong các lớp tập huấn, nhân dịp “Hội chợ thời trang và cuộc sống” do Công ty Tiếp thị quảng cáo Hà Nội và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21/10/2009, những người điều hành dự án đã lóe lên ý tưởng thuê một gian hàng để quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm chè an toàn “của nhà làm ra” cho 20 hộ nông dân trong dự án. Mặc dù phải qua một cuộc thương thuyết khá vất vả vì không đăng ký trước với Ban tổ chức hội chợ. Cuối cùng thì Ban điều hành dự án cũng đạt được mục đích của mình – thuê được gian hàng cho những người nông dân sản xuất chè có điều kiện tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, cũng là để thực tập “học đi đôi với hành” tại một hội chợ với cái tên nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến chè và người sản xuất chè. Ông Lê Văn Khôi – Trưởng tiếp thị dự án cho biết: “Tham gia hội chợ trong tình thế gấp gáp từ lúc đăng ký được đến khi cắt băng khai trương gian hàng chỉ được chuẩn bị trong thời gian gần 2 ngày trong khi có nhiều công đoạn phải chuẩn bị như: tổ chức phân loại 5 nhóm chè theo chất lượng khác nhau, in nhãn, đóng gói quà tặng, trang trí gian hàng, xây dựng kế hoạch tiếp thị và phát quà v.v…nên chúng tôi cũng thấy rất lo vì nếu không thực hiện được thì coi như bỏ lỡ mất cơ hội tiếp thị cho nông dân, khác nào chịu thua ngay trên sân nhà”. Ban điều hành dự án đã vận động Hội Nông dân trong xã và các hộ nông dân tham gia dự án quyết tâm cùng xắn tay gấp rút chuẩn bị. Nhà của 3 hộ thành viên dự án đã được chọn làm địa điểm thường trực để thu gom chè, phân loại, đóng gói, dán mác… như một xưởng thủ công thực sự. 3 “xưởng” này đã hoạt động suốt ngày đêm từ 3 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, cũng cắt cử thành ca, mỗi ca 3 người thay phiên nhau làm việc suốt đêm. Cuối cùng thì gian hàng giới thiệu sản phẩm chè an toàn của 20 hộ nông dân trong dự án đã được chuẩn bị xong và cũng được trang trí bắt mắt, đàng hoàng không kém gì các gian hàng khác và có phần “bản sắc” hơn, có cả bàn trà để khách hàng tham quan ngồi thưởng thức hương vị trà do chính các chị trong dự án pha mời khách. Đồng chí Nguyễn Văn tâm Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban Tuyên Huấn, giám đốc dự án và bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã cắt băng khai trương gian hàng trong niềm vui, phấn khởi của các thành viên của dự án.

Lần đầu tiên người nông dân “chân lấm tay bùn” được tiếp thị, hay nói cho chữ nghĩa là được trực tiếp Maketinh, ông Vũ Văn Vấn - một trong số 20 hộ tham gia dự án xúc động nói: “lần đầu tiên trong cuộc đời làm chè, nhờ có dự án, chúng tôi mới được là chủ nhân của gian hàng này”. Nhiệm vụ ban đầu thật là bỡ ngỡ đối với nông dân tham gia dự án là việc lần lượt đến các gian hàng để mời chào, giới thiệu sản phẩm và tặng chè cho khách hàng dùng thử. Đây cũng là phần thực hành của khâu “chọn khách” mà nông dân đã được truyền đạt trong các lớp tập huấn về kiến thức tiếp thị. Các thành viên hồi hộp và diễn đạt thật khó khăn, có chị run quá không thể cất lên thành lời cứ lúng túng không biết phải làm gì, ông Lê Văn Khôi - Trưởng tiếp thị dự ánđã phải “cầm tay chào hàng tiếp thị” và nói hộ cho họ. Tập dượt đến vòng thứ 3 thì phần lớn nông dân đã tự tin trao đổi, giới thiệu với khách hàng về sản phẩm của mình. Chị Phạm Thị Đượm không giấu nổi niềm vui nói: “Chúng tôi xưa nay chỉ biết ở nhà chăm sóc và chế biến chè thủ công và bán chè chobà buôn, nay nhờ dự án được biết đến và làm quen với máy sao sấy chè, được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và...được “sửa ngượng” để tự tin hơn!”I.

Bên bàn trà uống thử tại gian hàng không khí thật đầm ấm. Với cách giới thiệu sản phẩm chân tình, thật thà, chu đáo của người nông dân và quan trọng là chất lượng trà ngon lại được sản xuất theo phương pháp an toàn, ngay trong buổi khai mạc hội chợ, nhiều khách hàng ở các tỉnh và các tổ chức doanh nghiệp lớn đã biết đến sản phẩm chè an toàn do hội viên nông dân của dự án sản xuất. 4 hợp đồng nguyên tắc về vấn đề tiêu thụ chè cho nông dân của một số đối tác ở các tỉnh phía Nam đã được ký. Sau hội chợ, nhóm sản xuất chè đã cử 3 đại diện để tiếp thị và làm cầu nối với thị trường. Khách hàng tại hội chợ thật sự ngạc nhiên bởi vì chè ngon như thế nhưng chưa được biết đến bởi chưa có thương hiệu.Từ đó mở ra cho người sản xuất chè xóm Phú Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hướng xây dựng thương hiệu chè và cách thức phân phối bán chè trực tiếp cho khách hàng cũng như qua hệ thống các siêu thị trên toàn quốc.

Có thể nói việc tham gia hội chợ lần này đã làm thay đổi tư duy cho người nông dân từ sản xuất nhỏ đến thị trường, họ thấy rõ là mình có thể chủ động tìm đến thị trường phục vụ khách hàng và tự tin khẳng định sản phẩm chè của chính mình sản xuất ra. Qquan trọng hơn là họ đã thành lập được tổ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chè.

Từ sản xuất đến nghiên cứu vận động chính sách

Quá trình thực hiện dự án đã “bật” ra nhiều vấn đề bất cập liên quan đến chính sách về cây chè. Nằm trong kế hoạch thực hiện dự án, “Hội thảo nghiên cứu, vận động chính sách đối với hộ nông dân sản xuất chè” được tổ chức ngày 22/10/2009 với sự tham gia của các đại biểu là cán bộ xã, những nông dân trong nhóm thụ hưởng dự án, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên - địa phương triển khai dự án, các nhà khoa học và các thành viên của dự án. Các đại biểu đều hoan nghênh Trung ương Hội đã tổ chức cuộc hội thảo đề cập đến vấn đề lâu nay chưa được nghiên cứu thấu đáo. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực nhằm khuyến khích phát triển cây chè thông qua việc bổ sung các chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay và đề nghị Chính phủ cần có sự tổng kết, đánh giá 10 năm thực tiễn áp dụng quyết định số 43 năm 1999 của Chính phủ về chính sách đối với cây chè.

Hội thảo đã góp thêm một tiếng nói chung của những người sản xuất, chính quyền cơ sở, các nhà khoa học và những cán bộ quản lý của Hội Nông dân đối với chính sách về cây chè - loại cây chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu cây trồng và liên quan nhiều đến thu nhập của bộ phận rất lớn là nông dân ở khu vực nông thôn nước ta.