1.Mô hình thâm canh lúa tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm
Nam Định là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa, có nhiều huyện đạt 130 tạ/ha như các huyện huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu.
Điểm nổi bật của mô hình sản xuất thâm canh lúa ở Nam Định là thông qua tổ chức hợp tác xã, Hội Nông dân xã đã tập hợp và vận động hàng ngàn hộ nông dân thực hiện 1 quy hoạch, kế hoạch, quy trình thống nhất theo vùng trên cơ sở định hướng của tỉnh và sự đồng tình của mỗi hộ nông dân. Nhờ vậy đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cùng giống, đồng trà nhanh chóng triển khai những tiến bộ kỹ thuật mới, cơ cấu mùa vụ chuyển nhanh theo hướng giống cho năng suất chất lượng, kháng chịu sâu bệnh và thời tiết khắc nhiệt.
Tiêu biểu cho phong trào thâm canh giỏi là các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh. Đó là những điển hình liên tục thay nhau dẫn đầu về năng suất chất lượng trong nhiều năm. Có nhiều Hợp tác xã thâm canh giỏi như Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Phương (huyện Xuân Trường); Hải Xuân, Hải Đông, Hải Lộc (huyện Hải Hậu); Thịnh Thắng, Hoành Sơn (huyện Giao Thủy), Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng); Trung Lao, Trực Nội (huyện Trực Ninh) ... Trong đó điển hình nhất là hợp tác xã Xuân Kiên (huyện Xuân Trường) năng suất lúa luôn đạt 140 - 150 tạ/ha. Phong trào thâm canh lúa gắn liền với giá trị sản phẩm ở các đội sản xuất, các chi hội nông dân ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Trường) chuyên sản xuất lúa tám chất lượng cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Nhiều mô hình cánh đồng cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm tiêu biểu như hợp tác xã Nam Cường (huyện Ý Yên), Nam Dương (huyện Nam Trực), Hải Tây (huyện Hải Hậu); Nghĩa Hòa (huyện Nghĩa Hưng). Đến nay toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố; 91/311 hợp tác xã xây dựng thành công những cánh đồng 2 vụ lúa và 1 vụ đông, với công thức luân canh là: lúa xuân - mùa sớm - vụ đông (cà chua, dưa chột bao tử, bí xanh đông).
Hợp tác xã Hải Tây luôn dẫn đầu toàn tỉnh với gần 40% diện tích vụ đông trên đất 2 lúa, hợp tác xã Minh Tân (huyện Vụ Bản) hàng năm đã có hàng trăm ha cây vụ đông. Hiệu quả mô hình này khá rõ, 1 ha cà chua nhót vụ đông giá trị gấp 3 lần cấy lúa (tổng thu 58 triệu đồng/ha), mô hình này cũng đạt hiệu quả cao ở hợp tác xã Minh Thành (huyện Vụ Bản) cho thu nhập 83 triệu đồng/ha, với mô hình trồng bí xanh ở hợp tác xã Hùng Tiến (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy) cho thu nhập 83 triệu đồng/ha, Hợp tác xã Nghĩa Hồng với diện tích 144 ha cây vụ đông chiếm 26% diện tích, giá trị cây cà chua nhót cho thu hập gấp 2 lần so với cả hai vụ lúa , giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 100 triệu đồng ...
Mô hình lúa màu và chuyên màu tập trung ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực xu thế đang dịch chuyển là giảm lúa, tăng diện tích cây màu có giá trị kinh tế cao với công thức luân canh là: lạc xuân - đậu tương hè thu (hoặc lạc hè thu) - vụ đông (khoai tây rau). Điển hình là hợp tác xã Nam Cường (huyện Ý Yên) đã có 234 ha đất lúa màu, đất chuyên lúa chỉ còn 72 ha. Với mô hình luân canh lạc xuân - lúa mùa - vụ đông đã cho giá trị trên 100 triệu đồng/ha, đến nay hợp tác xã Nam Cường có 25% diện tích cho giá trị thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ ha canh tác.
2. Mô hình thủy sản và kinh tế vườn
Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với quy vùng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mô hình chuyển đất lúa, muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, làm vườn, ao, cây cảnh được triển khai ở khắp các địa phương vùng đất trũng trong tỉnh đã hình thành nên các trang trại nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh ... các vùng sản xuất tập trung tiêu biểu như: Xuân Vinh (huyện Xuân Trường); vùng nuôi cá Mỹ Thắng (huyện Mỹ Lộc); Giao Hà (huyện Giao Thủy), Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), Hải Đông, Hải Châu (huyện Hải Hậu) ... Nhờ có dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng, cho thuê nên quy mô đất đai ngày càng tập trung. Bình quân diện tích 1 trang trại thủy sản của tỉnh Nam Định đạt 2,2 ha. Có nhiều hộ nông dân làm kinh tế thủy sản, vườn giỏi tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Hiến ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, gia đình ông đã xây dựng trang trại 5,6 mẫu nuôi cá trắm đen, tôm càng xanh hàng năm đã cho doanh thu gần 200 triệu đồng trừ chi phí lãi 70 triệu đồng/năm, hộ ông Vũ Viết Hoa - thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực với 3 ha cây cảnh cho nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Cửu - xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy thầu 50 ha đất bãi nuôi ngao giống và ngao thương phẩm hàng năm cho doanh thu hàng tỷ đồng. Hộ ông Phạm Văn Chuyền - xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng có 3.600 m2 đầm nuôi cá giống hàng năm thu lãi 300 triệu đồng giải quyết cho 6 lao động có việc làm thường xuyên, giúp vốn cho 5 hộ trên 120 triệu đồng nuôi cá thương phẩm. Hộ ông Cao Văn Ba - xã Giao Phong, huyễn Giao Thủy với 3 ha tôm nuôi thâm canh, ông đã ứng dụng quy tắc thực hành tốt quy trình GAP nên năng suất nuôi tôm he chân trắng đạt 10 tấn/ha đã thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm, ông thường xuyên giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật cho các hộ nuôi trong vùng ....
3. Các mô hình chăn nuôi hàng hóa
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, xong xu hướng chung của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn; đã có nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi, đáng chú ý là một số mô hình chăn nuôi lợn thịt, lơn ngoại, bò thịt cho thu nhập cao như hộ ông Phạm Văn Chiến - xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, hộ bà Trần Thị Cúc - xã Lộc Hòa, tp. Nam Định, hộ ông Trần Văn Thức ở xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu. Trang trại chăn nuôi gà của anh Trần Tuấn Điều hội viên chi hội An Duyên, xã Đại An, huyện Vụ Bản nuôi gà siêu trứng theo mô hình công nghiệp, thường xuyên nuôi tù 16 - 18 ngàn con gà đẻ, xuất trứng cho nhà máy bánh kẹo Kinh Đô, trừ chi phí mỗi năm thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Hộ anh Trần Văn Rụ chi hội thôn Báng, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản thường xuyên nuôi 3.000 - 4.000 gà thịt, cứ 45 - 50 ngày thu 1 lứa, một năm thu lãi 150 - 170 triệu đồng, mô hình hộ bà Nguyễn Thị The xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng nuôi gà thịt và kinh doanh thức ăn gia súc mỗi năm thu 300 - 400 triệu đồng ....
Đặc biệt mấy năm gần đây, tỉnh Nam Định xuất hiện các mô hình hợp tác trong chăn nuôi thông qua việc hình thành các câu lạc bộ chăn nuôi, liên kết giữa các hộ với nhau giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm. Tiêu biểu là các hộ chăn nuôi ở huyện Hải Hậu, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng ... Các câu lạc bộ chăn nuôi lợn ngoại ở xã XuânKiên (Xuân Trường), CLB chăn nuôi ở xã Yên Phương (Ý Yên) và 497 CLB nông dân do Hội Nông dân cơ sở thành lập cũng là nơi để nông dân đoàn kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giỏi.
4. Mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn
Mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ với trên 31 nghìn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nam Định là tỉnh đa dạng về ngành nghề và hình thức tổ chức sản xuất. Điển hình như mô hình phát triển ngành nghề theo phương thức kết hợp giữa cơ sở sản xuất tập trung với phân tán ở các hộ nông dân, trong đó cơ sở sản xuất tập trung đóng vai trò hạt nhân cung cấp vật tư, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu như doanh nghiệp Cao Cường của ông Trần Trọng Hóa ở chi hội nông dân số 9 xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo tây, bẹ chuối, may túi đựng hàng cho các siêu thị có thu nhập một năm trừ chi phí đạt 1 tỷ đồng, tạo việc làm chi gần 5.000 lao động của các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy ... Đây là mô hình sản xuất có hiệu quả cao, tận dụng được lao động tại chỗ trong thời vụ nông nhàn, cơ sở sản xuất gọn nhẹ, sản phẩm xuất khẩu có ý nghĩa kinh tế xã hội cao.
Mô hình tiêu thụ nông sản hàng hóa: tiêu thụ sản phẩm cho nông dân luôn là vấn đề bức xúc, cùng với các loại hình doanh nghiệp, công ty, mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Điển hình như hộ ông Ngô Quý Mão hội viên nông dân xã Nam Dương huyện Nam Trực hàng năm tổ chức mua thu gom rau màu các loại cung cấp cho thị trường phía Nam 1.000 tấn khoai tây, 700 tấn cà chua, 500 tấn rau các loại. Doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng sử dụng thường xuyên 20 - 25 lao động. Hộ ông Nguyễn Hữu Trung hội viên nông dân xã Tân Thanh huyện Vụ Bản chuyên thu mua đậu, đỗ, vừng chế biến sản xuất bánh kẹo và làm miến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 100 lao dộng, doanh nghiệp có thu nhập trên 800 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng nấm rơm đang khá phát triển ở các địa phương trong tỉnh, những năm gần đây do có thị trường tốt nên nghề trồng nắm ăn, nấm dược liệu của tỉnh đã đem lại thu nhập khá cho người nông dân và góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Toàn tỉnh hiện có trên 30 cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá như ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường.