00:00 Số lượt truy cập: 2661837

Ninh Bình: Dưa chuột VietGAP trên đất Đông Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ đông năm nay, 125 hộ nông dân xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) được thụ hưởng dự án trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) đầu tư với quy mô 8 ha. Thu nhập cao, môi trường sản xuất được cải thiện là những điều bà con nông dân nơi đây nhận được từ mô hình này.


Tham quan mô hình trồng dưa chuột VietGap tại xã Đông Sơn

Về Đông Sơn vào thời điểm này, trong những mảnh vườn của nhiều gia đình, bên cạnh những gốc đào phai khẳng khiu là những luống dưa chuột xanh ngút ngàn. Anh Nguyễn Ngọc Lâm vui vẻ cho biết: Mọi năm vụ đông đất bỏ không, năm nay đưa vào trồng 6 sào dưa chuột bao tử.

Chỉ sau hơn 1 tháng, gia đình anh đã hái được 1 tấn quả đầu tiên, thu về hơn 7 triệu đồng. Ước cả vụ lãi chừng 20 triệu đồng.

Khẳng định chưa cây trồng nào đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây dưa chuột bao tử, ông Phạm Trung Hiếu, Chủ nhiệm HTX Mùa Thu phân tích: thời gian thu hoạch của giống dưa này kéo dài từ 50-60 ngày mà hiện tại bà con xã viên mới bắt đầu thu chừng 20 ngày đã được 3 tạ quả/sào. Như vậy tính ra năng suất có thể đạt 1 tấn quả/sào. HTX đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con với giá 7 nghìn đồng/kg, gia đình nào có điều kiện mang ra chợ thì giá có thể lên tới 10 nghìn đồng/kg. Như vậy một sào dưa sau khi trừ chi phí lãi không dưới 3 triệu đồng.

Khi mới tiếp nhận dự án, bà con nông dân ở đây mừng ít, lo nhiều bởi đồng đất Đông Sơn khó khăn trong khi đó người dân chưa có kinh nghiệm gì về trồng cây dưa chuột bao tử, việc đầu tư giàn, phân bón lại tốn kém. Nhưng đến thời điểm này thì tất cả 125 hộ nông dân tham gia dự án ai ai cũng phấn khởi bởi cây dưa chuột bao tử phù hợp với đất đai, khí hậu của Đông Sơn, cây phát triển rất tốt cho năng suất cao. Mặc dù đầu tư ban đầu so với một số cây trồng như ngô, đậu tương… cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế lại gấp 2,5-3 lần.

Đông Sơn hiện có gần 100 ha đất trồng màu. Nhiều năm qua, bà con đã năng động đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, trong đó có các loại rau ăn lá, dưa lê, dưa hấu… đáp ứng phần nào nhu cầu thực phẩm của người dân thị xã Tam Điệp. Do vậy mục tiêu nhằm tới của dự án lần này không chỉ là tìm ra một giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho người sản xuất, giúp bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Nguyễn Hữu Ngọc, cán bộ kỹ thuật của dự án cho biết: ở đây nông dân được tham gia các lớp tập huấn để hiểu rõ thế nào là rau an toàn cũng như quy trình sản xuất VietGAP. Cụ thể như việc lạm dụng urê trong chăm bón dẫn tới hàm lượng nitơrat vượt quá cho phép là nguy cơ của bệnh ung thư, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và không tuân thủ thời gian cách ly gây ngộ độc cấp tính cho người ăn. Sử dụng phân bón hữu cơ không an toàn, sử dụng chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý làm cho rau bị ô nhiễm sinh học… Nhìn chung bà con rất hồ hởi đón nhận những thông tin này. Khi được hỏi, làm quen với quy trình sản xuất rau VietGAP, anh (chị) thấy thế nào, nhiều học viên cho rằng: sản xuất theo quy trình VietGAP phải cẩn trọng hơn rất nhiều nhưng không quá khó, chỉ cần quan tâm và chú trọng đến tính an toàn cho rau trong các khâu chăm bón, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch cung như sơ chế là có thể hoàn thành và đem lại sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Và hơn nữa sản xuất an toàn, nông dân khỏe hơn bởi không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu hóa học.

Ông Phạm Đình Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn khẳng định: không chỉ những hộ tham gia trong dự án mà nhiều hộ trong xã đã thấy rõ, trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP có lợi cho sức khỏe người trồng, người tiêu dùng. Quan trọng hơn bà con nâng cao sự hiểu biết có thể áp dụng quy trình VietGAP cho các loại rau màu thực phẩm khác và khi đã nhận thức rõ được cái lợi thì việc nhân rộng mô hình sẽ dễ dàng hơn.

Hà Phương