00:00 Số lượt truy cập: 2660395

Ninh Bình: Xã Yên Thắng giàu lên từ mô hình kết hợp lúa+ cá 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiều năm qua, đời sống của người dân xã Yên Thắng (thuộc vùng núi, xung quanh là những cánh đồng chiêm trũng của huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình) vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, đời sống của nhân dân trong xã đang đổi thay nhanh chóng, nhờ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo hướng đi đúng và đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa+cá.

 


Do điều kiện đất đai không thuận lợi với hơn 100 ha ruộng trũng, trồng lúa cho năng suất thấp, có nhiều vụ mất trắng, do bị ngập lụt, nhưng xã đã tìm ra mô hình mới; nông dân Yên Thắng dần dần chuyển sang mô hình nuôi cá xen trồng lúa một cách tự phát. Ban đầu, từ vài ha trồng lúa không ăn chắc, nông dân của xã đã đưa các giống cá đồng, như cá trắm, chép, trôi vào nuôi trên các chân ruộng lúa vụ mùa. Lúc đầu, sản lượng cá chưa cao, chỉ đạt được khoảng từ 5 đến 6 tạ/ha, nhưng bù lại năng suất lúa tăng lên, do có cá sục bùn và ăn các loại sâu bọ; trong khi đó nông dân chủ yếu bón phân chuồng cho lúa và một số thức ăn cho cá, do vậy thu nhập trên một đơn vị diện tích gieo trồng lúa tăng hơn hẳn so với trước đây chỉ độc canh cây lúa. Từ đó, Yên Thắng mạnh dạn chuyển đổi các chân ruộng trũng, từ độc canh cây lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá bán thâm canh, do đó đã mang lại hiệu quả cao.

Năm 2006, toàn xã đã có hơn 80 hộ nông dân tham gia mô hình trang trại lúa + cá với gần 70 ha ruộng trũng. Tại các trang trại trên, sau vụ đông xuân thu hoạch sớm, nông dân tiếp tục gieo trồng vụ lúa mùa, khi lúa tốt thì thả cá xuống đồng nuôi. Việc chăm sóc lúa, cá cũng thay đổi so với các chân ruộng chuyên trồng lúa. Nông dân không sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và họ bón phân chuồng cho lúa là chính đồng thời nuôi cá bằng thức ăn tổng hợp.

Theo nhiều chủ trang trại trồng lúa + cá thì cá đồng phát triển khá nhanh, do có nhiều thức ăn và môi trường phù hợp. Hầu hết các trang trại cá + lúa đều kết hợp với nuôi lợn, gà, ngan, vịt, do đó đã tạo thành mô hình VAC khép kín trên các cánh đồng; qua đó đã tạo nguồn thu khá hơn nhiều so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Tuynh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: những năm trước, mỗi ha lúa của địa phương chỉ cho thu nhập giá trị từ 20 đến 22 triệu đồng/năm; đến nay các mô hình trồng lúa + cá của xã đã cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể.

Mô hình sản xuất nuôi cá + lúa của Yên Thắng đã được khẳng định tại Hội nghị Điển hình tiên tiến trong nông nghiệp của tỉnh và đang được nhiều địa phương trong tỉnh có điều kiện tham khảo, học tập làm theo. Tuy vậy, tại xã Yên Thắng vẫn còn nhiều gia đình sản xuất theo mô hình nuôi cá + lúa với qui mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm, do đó chưa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nên chăng, chính quyền, các đoàn thể của xã cùng vào cuộc để giúp đỡ những hộ khó khăn, thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm sản xuất để tiếp tục dồn điền, đổi thửa, nhằm tạo ra qui mô trang trại đồng thời chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn để mô hình lúa + cá của xã này được nhân rộng ra toàn huyện, nhằm đạt hiệu quả kinh tế lớn hơn.