00:00 Số lượt truy cập: 2662156

Nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng 

Được đăng : 03/11/2016

Qua thời gian triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ 2013-2016, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhiều mô hình sản xuất chất lượng, năng suất cao đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống.


Dù vậy, để ngành nông nghiệp thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tái cơ cấu ngành cần từng bước tháo gỡ khó khăn về nhận thức, cơ chế, chính sách, xác định và phát huy những cây, con lợi thế của từng địa phương.

Tính đến ngày 15/6/2016, đã có 58/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Xuất khẩu trái cây là một trong những thế mạnh góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam 
(Ảnh: HNV)
Nhiều kết quả tích cực

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 3 năm triển khai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực cho thấy nhiều kết quả khả quan. Trên lĩnh vực trồng trọt, Bộ đã và đang tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, lợi thế của các vùng, miền, địa phương và nhu cầu thị trường. Các địa phương đã chuyển đổi được khoảng 390.000 ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, đặc biệt rõ nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Đối với các vùng khô hạn, nhiễm mặn từng bước chuyển trồng lúa sang phát triển các cây chịu hạn, cỏ làm thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tiếp tục được xây dựng. Từ năm 2013 đến hết vụ Đông Xuân năm 2016 đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha, trong đó, vùng ĐBSH có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng như: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam bộ và Tây Nguyên), vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang.

Trong 3 năm (2013-2015) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Hiện có 7 mặt hàng có vị trí xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: gạo 2,8 tỷ USD, cao su 1,53 tỷ USD, cà phê 2,67 tỷ USD, hạt điều 2,4 tỷ USD, hạt tiêu 1,26 tỷ USD, rau quả 1,84 tỷ USD. Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.

Với ngành chăn nuôi, triển khai tái cơ cấu, chăn nuôi công nghiệp theo hướng công nghệ cao đang có đà phát triển mạnh với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư như TH, Hoàng Anh Gia Lai, Thái Dương,… Cả nước có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận với quy mô hàng nghìn đến hàng chục triệu con/lứa.

Triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, một số tỉnh đã thành công trong việc sản xuất một số sản phẩm lợi thế của địa phương và được xuất khẩu mạnh. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao như: thịt lợn sữa đông lạnh xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), sản lượng 39,4 nghìn tấn, đạt 103,5 triệu USD, năm 2015; trứng vịt muối xuất sang Malaysia, Singapore, Trung Quốc, sản lượng 31,6 triệu quả, đạt 4,9 triệu USD, mật o­ng xuất sang Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc),… Qua 3 năm tái cơ cấu chăn nuôi, giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu. Thị trường và giá cả sản phẩm chăn nuôi ổn định, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, công tác chế biến được quan tâm đầu tư ở tất cả các ngành hàng chủ lực: lúa gạo, mía đường, cà phê, cao su, hồ tiêu, rau quả, gỗ, thủy sản, muối. Riêng ở ĐBSCL, đã có gần 80.000 ha diện tích trồng được bao tiêu sản phẩm; tất cả các nhà máy đường đều thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với nông dân trồng mía.

Nhìn chung, 3 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Trong giai đoạn 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, thu nhập bình quân hộ nông dân đã tăng từ 73,2 triệu đồng/năm 2012 lên 97,6 triệu đồng/năm 2015.

Chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế

Trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên, tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu, trên thực tế vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa thực sự vững chắc.

Điều này có thể thấy ở việc triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành, vẫn còn chưa được đồng bộ và đồng đều ở các địa phương. Hiện nay đang còn 5 tỉnh chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu gồm Đắk Lắk, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang.

Kể đến nữa là công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, riêng khu vực hợp tác xã vẫn còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện Luật Hợp tác xã 2012. Các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao trong khi sự tham gia của doanh nghiệp cũng như mối liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế.

Hiện nay, năng suất chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, cộng với chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên có thể kể đến do biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn đã tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, sự chuyển biến về nhận thức tái cơ cấu ngành còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí là lúng túng, trong nhiều lĩnh vực, tư duy cũ, cách tiếp cận chậm thay đổi. Việc còn 5 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án, kế hoạch hành động nông nghiệp tại địa phương mình cho thấy nhiều nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều. 

Cơ chế, chính sách là “điểm tựa” quan trọng cho việc tái cơ cấu ngành, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là chính sách về đất đai, việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm.

Tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình, có quy mô và phạm vi lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều Bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, sự phối hợp hỗ trợ từ nhiều Bộ, ngành với Bộ NN&PTNT còn có lúc chưa thật chặt chẽ, hiệu quả. Nguồn lực của nhà nước hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn hẹp trong khi kết quả thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế hạn chế.

Chuyển mục tiêu từ đạt số lượng sang nâng cao chất lượng

Để thực sự tạo chuyển biến trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên cần đặc biệt quan tâm, bởi chỉ có khi ý thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc tái cơ cấu ngành trong bối cảnh hội nhập mới tạo điều kiện để toàn ngành thực hiện hành động trên thực tiễn. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các cơ quan truyền thông phối hợp, hỗ trợ thông tin về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng.

Căn cứ vào các quy hoạch tổng thể của ngành do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt, Đề án tái cơ cấu lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi,...từng địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu sản xuất, xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho sản xuất tự cung tự cấp, xem đây là lối thoát căn bản để xóa đói giảm nghèo.

Các lĩnh vực chuyên ngành cần tập trung phát triển theo định hướng phát huy lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng. Riêng ngành trồng trọt, chăn nuôi chuyển hẳn từ hướng đạt mục tiêu về số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Ngành thủy sản tập trung cao hơn cho việc nuôi trồng các loại thủy sản là lợi thế và nâng cao hiệu quả khai thác, chú trọng hơn tới nâng cao hiệu quả và tính bền vững, thay vì nỗ lực đạt sản lượng ngày càng cao.

Là công đoạn mang lại nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, còn nhiều dư địa tiềm năng, vì vậy, ngành công nghiệp bảo quản, chế biến rất cần được chú trọng phát triển, nhất là chế biến sâu để đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho các loại nông lâm thủy sản, kể cả chế biến phụ phẩm. Cùng với các định hướng của từng ngành, để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt tái cơ cấu, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền.

Khoa học công nghệ cũng được xem là một trong những giải pháp đột phá của ngành nông nghiệp, vì vậy, cần được tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết, kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao.

Ngoài ra, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường là giải pháp cần song hành cùng nhiệm vụ sản xuất, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia để doanh nghiệp và người dân biết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước./.