00:00 Số lượt truy cập: 2662086

Nơi chuyển giao công nghệ cho nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Thường lệ mỗi năm 2 lần, vào cuối vụ xuân và vụ mùa, nhiều đoàn đại biểu từ các tỉnh phía Bắc lại đến Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm - VAAS) ở Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội tham quan các giống và tiến bộ kỹ thuật mới. Đây là địa chỉ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân rất được nhiều nơi tín nhiệm...


Ngày cuối tuần vừa rồi, tôi xuống chơi với TS Lê Quốc Thanh – GĐ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đúng vào dịp anh bận bịu nhất. Anh cho biết, hơn mười ngày nay đã có khoảng 70 đoàn đến từ các tỉnh, từ lãnh đạo các Sở, huyện và nông dân đến Trung tâm xem mô hình thực nghiệm. Tại đây, các đoàn và cán bộ Trung tâm cùng thảo luận về giống mới, tham quan đồng ruộng, cùng nhau rút kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật. Việc tham quan này đã thành lệ, TS Thanh nói, nhiều đoàn mình chưa kịp mời họ đã đến, đó là khát khao cái mới của địa phương, của nông dân, trách nhiệm của Trung tâm đứng ra làm cầu nối giữa họ với các nhà khoa học.

Theo TS Lê Quốc Thanh, nhiệm vụ chuyển giao công nghệ khó khăn không kém nghiên cứu công nghệ, làm sao phương pháp chuyển giao hiệu quả, sản phẩm khoa học nhanh chóng ra sản xuất, đó là điều cán bộ Trung tâm dày công rút kinh nghiệm qua từng vụ. Mô hình giống mới được làm đúng phương pháp kỹ thuật, khi cần thiết Trung tâm mời cả tác giả giống tham gia vào việc chuyển giao, họ nói chuyện với nông dân về ưu nhược điểm của giống, của công nghệ sẽ thuyết phục hơn.

- Nghĩa là mình tạo ra thị trường công nghệ, như một kiểu “triển lãm trên đồng” rồi mời các địa phương đến tham quan, lựa chọn? Tôi nói.

- Có thể hiểu như vậy. Đầu tiên chúng tôi phải xác định được sản xuất đang cần cái gì? Ví dụ về giống lúa, phổ biến trong sản xuất khu vực phía Bắc khoảng hơn chục năm nay chủ yếu là các giống nguồn gốc Trung Quốc như Q5, Khang Dân, Bắc thơm 7..., tuy nhiên hầu hết các giống đến nay đều thoái hóa, nhiễm bạc lá và các loại sâu bệnh nặng, chất lượng giảm sút, cần phải có giống thay thế hoặc chọn tạo lại. Các nhà khoa học nắm bắt thực tế đó và gần đây đã cho ra đời khá nhiều giống lúa mới chất lượng, điển hình Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, Viện Di truyền NN có các giống lúa TL6, HT6, SH2 (XT27)... Đây phải nói là bộ giống rất chất lượng, gạo ngon, năng suất vượt hẳn HT1 và Bắc thơm 7, chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh, nhất là bạc lá rất tốt. Chúng tôi mời các đoàn địa phương về đây, không những xem mô hình sản xuất, mà còn tổ chức nấu cơm gạo mới để các đoàn ăn thử, đánh giá chất lượng. Là cơ quan chuyển giao công nghệ cho Viện Cây Lương thực – CTP cũng như cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), chúng tôi nhận thấy bộ giống lúa thuần hiện nay của VAAS đủ sức cạnh tranh với giống của Trung Quốc, sắp tới VAAS còn tiếp tục tung ra một loạt giống chất lượng ngang và vượt Bắc thơm 7, năng suất thì hơn hẳn.

- Phương pháp chuyển giao của Trung tâm cũng có xây dựng mô hình như khuyến nông, vậy đâu là điểm khác biệt giữa chuyển giao công nghệ và công tác khuyến nông?

- Hai vấn đề khác nhau chứ, tuy chúng tôi có vận dụng cả khuyến nông. Việc chuyển giao công nghệ nhất thiết phải hiểu công nghệ, chúng tôi có thuận lợi là luôn gần gũi với tác giả nên công việc chuyển giao thuận lợi. Tuy nhiên, để hiệu quả, như đã nói nhất thiết phải tạo được thị trường công nghệ. Hiện nay Trung tâm liên kết rất tốt với các trạm, trại các địa phương để sản xuất giống làm sao giống mới đến với nông dân nhanh nhất.

Chẳng hạn, cách đây mấy năm chúng tôi lên Sơn La, thấy bà con người Thái ở Sơn La gieo trồng loại nếp nương dài ngày và năng suất rất thấp. Sẵn có giống nếp mới (nếp 87 dòng 2, còn gọi giống nếp 98) chúng tôi phối hợp với Cty CP Vật tư NN Sơn La tổ chức cho bà con trồng thử. Cuối vụ đồng bào thích quá, nếp giống mới cho năng suất gần gấp đôi, lại ngắn ngày hơn. Đến nay thì có đến 90% diện tích lúa nếp ở Sơn La sử dụng giống nếp 98, sử dụng mỗi năm đến 200 tấn giống...