00:00 Số lượt truy cập: 2666835

Nông sản sạch về Thủ đô 

Được đăng : 03/11/2016

“Nhiều loại rau đặc sản núi rừng như: Măng tây xanh, cải mèo, củ quả, mật o­ng, phấn hoa, sữa o­ng chúa… hay nhóm thực phẩm qua chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ được giới thiệu tới người dân Thủ đô tại Tuần lễ hàng nông sản Sơn La tại Hà Nội diễn ra từ ngày 24-8 đến 29-8”, đó là thông tin được ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết tại cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19-8.



Được biết, đây là lần đầu tiên Sơn La tổ chức Tuần lễ bán sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP đến với nhân dân Thủ đô. ông Bùi Đức Hải-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tôi đánh giá thị trường Hà Nội rất tiềm năng, với nhiều chợ đầu mối để doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP và đó cũng là cách kích cầu được tiêu dùng. Để có được những sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của người dân Hà Nội, chính quyền địa phương, đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn nông sản theo chuỗi.

Trước đây, bà con Sơn La thường sản xuất nông nghiệp theo khả năng của mình. Thế nhưng gần đây, bà con đã bắt đầu sản xuất theo nhu cầu thị trường. Các hộ gia đình, nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã đã hình thành theo chuỗi nhất định, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn, đảm bảo ATTP. Trong đó, doanh nghiệp là cầu nối đưa nông sản từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. “Kinh tế hộ không thể khẳng định sản phẩm có an toàn hay không. Do đó, chủ trương của Sơn La là tất cả sản phẩm đưa ra thị trường phải được sản xuất trong tổ chức (hợp tác xã, doanh nghiệp…). Với hơn 500 cơ sở sản xuất thực phẩm được chứng nhận đủ an toàn, Sơn La đang ráo riết hình thành các hợp tác xã sản xuất các mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất lại, làm sao sản phẩm ra thị trường phải dứt khoát là sản phẩm thực sự sạch, an toàn, có chứng nhận của các tổ chức”-Phó Chủ tịch Bùi Đức Hải nói.

Để triển khai quy trình quản lý nguồn nông sản theo chuỗi, bà con nuôi trồng các sản phẩm nông sản phải tuân thủ theo các điều kiện đặt ra của doanh nghiệp, tổ chức, được cấp chứng chỉ, chứng nhận an toàn. Thậm chí, những sản phẩm lớn phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận sở hữu trí tuệ và có chỉ dẫn địa lý mới đưa ra thị trường. Những sản phẩm không nằm trong chuỗi sản xuất – cung ứng này không được đưa ra ngoài. “Để thực hiện nghiêm điều này phải có bàn tay quản lý nhà nước chứ không thể hoạt động tự do được”, ông Bùi Đức Hải nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Đức Hải, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người nông dân trong thời gian bắt đầu để họ có định hướng sản xuất các sản phẩm. Đơn cử, tỉnh đang hỗ trợ đầu vào về nhóm sản phẩm cây ăn quả bằng cách hỗ trợ người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La và hộ sở tại 1 triệu đồng/hộ để cải tạo vườn trồng cây ăn quả chất lượng cao. Nhà nước cũng hỗ trợ vườn tạp cho bà con Sơn La, hỗ trợ người dân ghép mắt, ghép cành để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn. “Chúng tôi cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ vận tải cho các doanh nghiệp để vận chuyển nông sản về các thị trường lớn tiêu thụ vì quãng đường từ Sơn La đến Hà Nội hay thị trường lớn khá xa”-ông Bùi Đức Hải nói.

Vấn đề ATTP đang được người dân Thủ đô và cả nước quan tâm. Với mục đích đó, Tuần lễ hàng nông sản Sơn La tại Hà Nội diễn ra từ ngày 24-8 đến 29-8 tại Nhà khách Sơn La (địa chỉ 378 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tạo tiền đề kết nối các sản phẩm tiếp theo của địa phương phân phối đến người tiêu dùng. Tuần lễ hàng nông sản Sơn La sẽ là cơ hội để nhiều doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, thấy được nhu cầu của khách hàng để cùng bắt tay tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Trong khuôn khổ Tuần lễ này sẽ diễn ra ký kết giữa các nhà sản xuất Sơn La với các nhà phân phối ở Hà Nội trong việc liên kết đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Gia Phong