00:00 Số lượt truy cập: 2662695

Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên): Cây ngô đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế địa phương 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện chủ trương đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với bám sát thực tiễn địa phương, xã Núa Ngam đã mạnh dạn xây dựng mô hình chuyên canh cây ngô giống mới. Với diện tích cây trồng hiện nay khoảng 760 ha, giá thu mua khoảng 3.500 đồng/kg, cây ngô đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế của bà con.


Cùng với việc động viên bà con tích cực khai phá đất hoang, UBND xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên tiến hành nghiên cứu, trồng khảo nghiệm một số giống ngô chất lượng cao.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, cây ngô đã dần khẳng định rõ giá trị kinh tế trên các sườn đồi ở Núa Ngam. Đến nay, trong tổng số hơn 1.300 ha cây lương thực của xã thì diện tích ngô đã chiếm khoảng 760 ha. Nhờ làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con và tăng cường đưa các giống ngô năng suất cao vào sản xuất nên nhìn chung sản lượng ngô hạt ở Núa Ngam đã không ngừng tăng lên qua các năm. Theo thống kê, năng suất trung bình hàng năm của cây ngô trên địa bàn xã đã tăng từ hơn 20 tạ/ha lên 40 - 42 tạ/ha. Đến nay, phần lớn giống ngô địa phương đã được người dân thay thế bằng các loại giống ngô mới, chất lượng cao như các giống NK 7325, NK 54, NK 4300, NK 66… Ngoài phục vụ chăn nuôi tại chỗ, sản lượng ngô của xã đều được thương lái thu mua nên bà con rất yên tâm sản xuất.

Năm 2010, Núa Ngam mới có gần 500 ha ngô thì đến năm 2015, diện tích này đã tăng lên tới 760 ha, chiếm khoảng 58,5 % tổng diện tích sản xuất cây lương thực của cả xã.Với giá thu mua khoảng 3.500 đồng/kg, cây ngô đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế của bà con.

Hiệu quả kinh tế thu được từ cây ngô đã góp phần quan trọng giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển đời sống, chăm lo cho việc học hành của con trẻ. Đến nay, trên địa bàn xã có 687 hộ mua được xe máy; 56 hộ có máy xay xát; trên 120 gia đình có máy tuốt lúa, máy phay đất. Nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư mua ô tô tải để làm dịch vụ vận chuyển nông sản, chủ yếu là ngô./.