00:00 Số lượt truy cập: 2668181

Nuôi heo rừng lai: Mô hình mới ở Cây Trường 

Được đăng : 03/11/2016
Nuôi heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Giá heo giống bán ra 200.000 đồng/kg, còn heo thịt 140.000 đồng/kg, nhưng hiện tại trang trại của tôi không đủ cung cấp cho thị trường. Cái khó là nuôi heo rừng lai phải có đất rộng, phải tạo được môi trường hoang dã - Chị Trần Thị Định, Chủ trại heo Chín Anh ở ấp Bà Tứ (Cây Trường, Bến Cát) cho biết khi trò chuyện cùng chúng tôi.

Nuôi heo chỉ là ngẫu nhiên

Dạo quanh trang trại rộng hơn 5 ha đất của chị Định, điều làm tôi ấn tượng là một bầy heo rừng lai hàng chục con trông rất hoang dã. Bên cạnh những con heo bố, mẹ lông lá rậm rạp, những “chú” heo con thế hệ F3 vừa mới ra đời cũng đã thể hiện rõ bản chất “rừng rú” của chúng. Rất nhanh nhẹn, thoắt ẩn, thoắt hiện mỗi lúc gặp người lạ. Tất cả đều được thả rong trong vườn nhãn đầy cỏ rác, rồi được dùng lưới B40 quây tròn từng ô. “Từ lúc nuôi heo rừng lai tôi khỏi phải tốn công làm cỏ, chúng đào bới giữ lắm. Hết ô này mình chuyển qua ô khác, vậy là vườn nhãn luôn sạch sẽ, nó còn bón phân nên năm nào nhãn cũng được mùa. Nuôi chúng mình khỏi phải làm chuồng trại gì cả, ngoài cỏ thì mỗi ngày chỉ cho ăn dặm thêm một bữa cám gạo cộng với bắp xay, loại thức ăn này chúng rất thích”- Chị cho biết.

Chị Định đến với việc nuôi heo rừng lai cũng rất ngẫu nhiên. Khoảng đầu năm 2003, trong một lần vào buôn bán ở các sóc của người dân tộc thiểu số xã Cây Trường, chị thấy có một gia đình nuôi giống heo này. Hỏi ra thì được biết họ đã cho lai giữa giống heo mọi với heo rừng gốc nên rất thích. Sau một thời gian thăm dò thị trường, chị thấy các nhà hàng ở TP.HCM cần loại heo này và giá rất cao nên quyết định đầu tư chăn nuôi lớn. Ban đầu chị chỉ mua được một heo bố là heo rừng gốc, với 6 heo nái; nhưng đến đầu năm 2006, số lượng heo giống của trại lên đến gần 200 con. Kể đến đây chị Định nhìn tôi cười rồi cho biết: “Heo giống bố rất hiếm, không dễ có để phát triển nhanh vậy đâu. Để có được đàn heo này tôi phải nhập giống heo bố từ Thái Lan về rồi cho lai với heo mọi đó. Giá heo giống nhập từ Thái Lan về cũng chỉ bằng giá mà tôi bán cho người khác, nhưng mua heo ở trại Chín Anh họ được tôi tư vấn về kỹ thuật nuôi rất kỹ. Một heo giống từ khi sinh ra đến lúc tôi đem bán là khoảng 4 tháng, giá từ 3-4 triệu đồng/con”.

Kỹ thuật nuôi mà chị Định nhấn mạnh, đó là việc cho lai ghép giữa heo rừng gốc với heo mọi, để cho ra giống heo rừng thuần chủng 100% mà chị đã nhọc công nghiên cứu trong một thời gian dài. Ban đầu chị cho lai giữa heo bố là heo rừng gốc với heo mọi nhà, cho ra giống heo rừng lai thế hệ F1. Tiếp theo, cho một heo bố khác lai với heo mẹ F1, thì được heo lai F2. Cứ thế, tiếp tục cho một heo giống khác lai với heo mẹ F2 thì được heo F3. Và đến F4 là được một giống heo rừng thuần chủng. Tuy nhiên, để chúng trở thành heo rừng thực thụ thì môi trường nuôi quyết định tất cả. Heo phải được thả rong trong khuôn viên rộng lớn, chỉ căng một tấm bạt nhỏ để che mưa. Cũng cần xây dựng một chuồng trại kiên cố để nhốt cả heo mẹ lẫn heo con khi sinh. Vì bản chất hoang dã của heo rừng con sẽ kích thích chó, mèo săn bắt.

Thành công trên đất mới

Không tính thu nhập từ mô hình nuôi heo rừng lai, mỗi năm, chị Định thu nhập khoảng 200 triệu đồng tiền lãi từ việc nuôi gà, vịt, cá… trên mảnh đất khô cằn vì thiếu nước, khiến nhiều người phải ngạc nhiên trước cách làm giàu của cô gái đến từ Mỹ Tho, Tiền Giang.

Ngày trước, chị Định là nhân viên của Công ty Du lịch Tiền Giang. Công việc khá ổn định, nhưng sinh ra trong một gia đình vốn nhiều đời làm nông, chị vẫn hằng ao ước một ngày nào đó mình sẽ có mảnh đất để lập trang trại. Chị đã đi rất nhiều nơi như Bình Thuận, Ninh Thuận và nhiều tỉnh ở miền Tây nhưng không ở đâu khiến chị ưng ý. Vì nơi thì nắng gió, nơi thì quanh năm ngập nước. Đầu năm 1999, khi có dịp đến xã Cây Trường tham quan theo lời giới thiệu của người thân, chị đã tỏ ra thích thú và chọn vùng đất này lập nghiệp. “Từ lúc quyết định lên đây, bố mẹ tôi ngăn cản rất nhiều. Một phần vì gia đình không có vốn, một phần vì phải bỏ công việc sau bao năm nhọc công ăn học. Chỉ có em trai ruột của tôi là Trần Văn Công ủng hộ chị hết mình, lúc đó Công đang học đại học năm cuối khoa Quản trị kinh doanh”.

Chị Định mua 5 mẫu đất với giá 75 triệu đồng, nhưng trong tay chỉ có 30 triệu đồng. Chạy vạy khắp nơi chị mới gom đủ số tiền, rồi làm sổ đỏ miếng đất đem vay ngân hàng để hoàn trả nợ. Từ một cô gái làm du lịch chân yếu tay mềm, chị lao vào làm vườn thân hình gầy nhom, đen nhẻm cùng với một người cháu sống giữa núi rừng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ nói lên quyết tâm mà ít có cô gái nào làm được. Để có tiền sinh sống, chị mở một hàng tạp hóa nhỏ, rồi hàng ngày vào các sóc thu gom thêm hàng nông sản: “Có những hôm chở một xe hàng nặng thì xe thủng lốp, phải đẩy bộ hàng cây số mệt đến lã người; hay nhiều đêm về muộn xe lại cháy đèn, một mình chơ vơ giữa núi rừng tôi đã khóc rất nhiều. Lúc ấy tôi thường tự hỏi có phải mình đã chọn sai đường”. Cuộc sống của những ngày ấy rất khổ cực, nhưng chị thầm hứa không cho phép mình thất bại, phải quyết tâm đến cùng. Ngày Công ra trường rồi xin được việc làm, chị mới có thêm một tháng 2 triệu đồng để trang trải, gánh nặng lúc này mới vơi đi được một phần. Trên mảnh đấy ấy, chị làm kinh tế theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Ngoài số nhãn giống mua trả góp từ quê mang lên, chị mua nuôi thêm gà, vịt. Từ số lượng vài chục con, rồi tăng lên hàng trăm, hàng ngàn con. Hiện tại mỗi năm chị bán ra thị trường 4 lứa gà, vịt, mỗi lứa chừng 500 con. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức lương 1 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Trang trại 5 ha đất hiện giờ của chị, ngoài màu xanh của nhãn, bên dưới là gà, vịt, heo, cá và còn có cả cá sấu, trăn. Nhiều người khi đến đây ai cũng phải ngạc nhiên vì trên mảnh đất đồi này lại xuất hiện từng vũng ao hồ cho vịt, cá sinh sống y như vùng đất đầm lầy. Lạ thật, nhưng khi nghe chị Định giải thích thì thấy rất đơn giản. Chị móc đất thành từng ao để nước mưa đọng lại, sau đó cho vịt vào bơi lội, dần dần sẽ tạo được một lớp bùn rất dày không thể thấm nước, ngay cả những tháng nắng cao điểm mùa khô. Một cái lợi khác là vườn nhãn cũng được vịt, gà bón phân nên rất tốt và mùa nắng giảm được một lượng nước tưới đáng kể. Chị Định cho biết thêm: “Trăn và cá sấu là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng bước đầu tôi cũng chỉ nuôi theo dạng thử nghiệm. Mục đích là để chúng tiêu thụ những con gà, vịt còi. Nếu hiệu quả tôi sẽ đầu tư chăn nuôi lớn nhằm nhân rộng cho bà con quanh vùng cùng nuôi”.

Giờ đây, ngoài việc thành công làm kinh tế sau nhiều năm theo đuổi trên vùng đất mới, niềm vui của chị là đã đào tạo được một số em học sinh theo ngành du lịch. Chị không phải là một cô giáo, nhưng những ngày đầu mới về Cây Trường, thấy có nhiều học sinh không biết tiếng Anh, chị đã xin vào dạy học một thời gian khá lâu mà không cần hưởng lương. Hàng đêm, chị mở một lớp học tại nhà gần 10 học sinh theo học cũng không lấy tiền. Có không ít học sinh giờ đã thành đạt, thỉnh thoảng vẫn ghé về thăm cô Định nên chị rất vui. Chị đang suy tính sẽ xây dựng một mô hình du lịch sinh thái ngay trên trang trại của mình, dù nhỏ nhưng cũng là sân chơi lý thú cho giới trẻ, khi vùng đất này đang từng ngày thay da đổi thịt.