00:00 Số lượt truy cập: 2638433

Nuôi rắn – Hướng làm giàu của nông dân Tứ Xã 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù mới xuất hiện khoảng 5- 6 năm trở lại đây song nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã (Lâm Thao-Phú Thọ) hiện đang phát triển khá mạnh mẽ. Ban đầu chỉ có vài hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ, thử nghiệm là chính; sau do nhận thấy nuôi rắn không khó, lại cho lợi nhuận tương đối cao nên ngành nghề mới mẻ này đã ngày càng được nhiều hộ tham gia. Đến nay toàn xã đã có hơn 300 hộ nuôi rắn với khoảng 20.000 con, mỗi năm đem lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dục- khu 9 là một trong những hộ nuôi rắn thương phẩm khá hiệu quả. Năm 2001, khi sản xuất nông nghiệp thuần túy rất vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn, nhận thấy lợi nhuận rõ rệt từ việc nuôi rắn, anh đã mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng xây dựng chuồng trại và xuống tận xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (là nơi có truyền thống kinh nghiệm về chăn nuôi và kinh doanh rắn) để mua rắn giống về nuôi. Ban đầu anh mua 100 rắn con giống, nhưng do kinh nghiệm chưa nhiều, việc nuôi rắn gặp khó khăn, tỷ lệ thất thoát mất gần một nửa. Không nản lòng, anh tiếp tục về tận Vĩnh Sơn để học tập kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu thêm qua sách, báo và những người đi trước, do vậy công việc chăn nuôi dần tiến triển và cho hiệu quả rõ rệt. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh chẳng những biết cách nuôi rắn thương phẩm đạt yêu cầu mà còn nuôi rắn sinh sản để ấp trứng, nhân giống thành công. Hiện nay nhà anh có 200 chuồng nuôi rắn với tổng số 200 con trong đó có 50 rắn sinh sản, chủ động được nguồn con giống cho việc chăn nuôi và đảm bảo chất lượng tốt, tỷ lệ hao hụt do chết ít.

Nghề nuôi rắn ở Tứ Xã không phải là một nghề truyền thống của nhân dân, nhưng đây đang được coi là một nghề có triển vọng, đem lại giá trị thu nhập cao và là hướng làm giàu của nhiều gia đình. Từ chỗ chỉ nuôi rắn thương phẩm nhằm cung ứng cho thị trường, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ mạnh dạn nuôi thêm rắn sinh sản, bước đầu tự chủ động được nguồn con giống cho gia đình và còn đáp ứng cả nhu cầu của một số hộ trong xã. Mô hình nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Xuân, khu 12 có quy mô khá lớn, thường xuyên nuôi vài ba trăm con một lúc, trong đó có một nửa là rắn sinh sản. Là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương nuôi rắn, với kinh nghiệm gần 10 năm chăn nuôi, anh Xuân cho biết: Nuôi rắn khá đơn giản, bằng kinh nghiệm là chính nhưng đòi hỏi phải kiên trì, nhất là trong việc cho ăn cân đối. Nuôi rắn phụ thuộc vào thời tiết vì ở thời điểm giao mùa và vào mùa đông, rắn thường mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch mà bệnh này hầu như không thể phát hiện bằng mắt thường. Rắn có thời gian ngủ đông khá dài, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, vào mùa hè chỉ cần cho ăn 10 bữa/tháng, mỗi bữa khoảng 1 lạng thức ăn/con. Nguồn thức ăn cũng tương đối dễ kiếm, 100% là cóc, với giá dao động 10.000- 12.000 đồng/kg tùy thuộc vào thời tiết. Thông thường nuôi rắn phải mất từ 2 đến 3 năm mới cho thu nhập, thế nhưng do kỹ thuật chăn nuôi khá đơn giản, thu nhập cao hơn hẳn so với trồng trọt, kể cả chăn nuôi gia súc, gia cầm; trừ chi phí còn lãi trung bình 70.000 đồng/con/ 3 năm; hộ nuôi càng nhiều thì lãi càng cao, nhiều hộ thu lãi từ 30- 40 triệu đồng/năm cho nên nghề nuôi rắn ở Tứ Xã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Hầu hết các hộ đã chăn nuôi đều có xu hướng đầu tư mở rộng thêm mô hình của gia đình. Tuy nhiên cũng theo các hộ nuôi rắn, do chăn nuôi quy mô còn nhỏ, việc tiếp cận thị trường của người dân còn hạn chế nên nghề nuôi rắn còn gặp khó khăn. Việc tiêu thụ chủ yếu vẫn là do người dân xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường đảm nhiệm, các hộ chưa thể tự đem rắn đi tiêu thụ cho nên còn bị ép giá. Bên cạnh đó giá cả lại luôn biến động, lên xuống thất thường, phụ thuộc vào nơi tiêu thụ, làm cho người chăn nuôi chưa thực sự yên tâm.

Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết, tuy mới phát triển nhưng nghề nuôi rắn đã được Đảng ủy, UBND xác định là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương những năm tới vì đây là một nghề có triển vọng lớn, hàng năm đóng góp cho ngân sách tới 1/4 tổng thu nhập quốc dân của xã. Hiện nay, Hội nuôi rắn của xã đã được thành lập, đưa nuôi rắn từ một nghề từ tự phát thành một nghề chính thức, qua đó tạo thuận lợi hơn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận các nguồn vốn, kiến thức, nhất là thị trường tiêu thụ. Xã cũng sẽ thực hiện nhiều chủ trương và chính sách nhằm khuyến khích các hộ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình sản xuất, phát triển mạnh mẽ ngành nghề mới mẻ này ở địa phương và đem lại cơ hội làm giàu cho người chăn nuôi.