00:00 Số lượt truy cập: 2626837

Nuôi thỏ kết hợp với nuôi giun - không run 

Được đăng : 03/11/2016

Nghề nuôi thỏ ở nước ta đã có từ lâu đời và được nuôi ở nhiều vùng miền khác nhau. Những năm trước, nuôi thỏ ở quy mô hộ gia đình chỉ nhằm mục đích nuôi chơi, lấy thịt để cải thiện bữa ăn đối với những hộ dân miền núi, vùng sâu, vùng xa… 


Gần đây, do sự phát triển của ngành chăn nuôi nên có nhiều sản phẩm thịt, cá cung cấp cho thị trường, đời sống của nhân dân được nâng lên, người dân đã có cơ hội lựa chọn các sản phẩm khác nhau cho phù hợp với khẩu vị và nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, nên thịt thỏ cũng đã được người dân lựa chọn và đưa vào các buổi tiệc cưới, liên hoan, hội nghị… Tuy nhiên, việc nuôi thỏ chưa mang lại lợi nhuận cao cho người dân nên ngành nuôi thỏ chưa được phát triển. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là giá bán thịt thỏ thấp, giá thành chăn nuôi cao, cá biệt có trường hợp nuôi thỏ thịt bị lỗ, người nuôi run sợ không dám nuôi, đã phải treo chuồng.

Mô hình chăn nuôi thỏ đầu tư theo hướng công nghiệp tại Thạch Thất, Hà Nội

Trong quá trình chăn nuôi thỏ thịt đã rút ra nhiều bài học đó là nuôi giống thỏ nhập ngoại (giống thỏ Newzeland) là giống thỏ có ngoại hình to lớn, tăng trọng nhanh, sức sống cao, sinh sản mạnh nhưng vẫn chưa thể đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững; mặt khác do giá thức ăn cao, chi phí ngày công chăm sóc lớn nên đã đẩy giá thành sản xuất tăng cao.

Mô hình nuôi thỏ giống Newzeland

Bằng kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, chúng tôi đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sau đây:

-Nuôi thỏ giống Newzeland thay cho giống thỏ ta (giống thỏ nội), để đảm bảo tăng trọng nhanh, sinh sản tốt, chất lượng thịt thơm ngon.

Nuôi thỏ theo hướng bán công nghiệp: đó là chăn nuôi quy mô lớn tập trung, kết hợp cho ăn thức ăn thô xanh với thức ăn công nghiệp tự chế để giảm giá thành. Sau 3 tháng trọng lượng thỏ đạt từ 2,5kg đến 3,3kg/con.

Không làm nền chuồng bằng gạch, xi măng: nếu làm bằng gạch hoặc bằng nền xi măng tốn tiền đầu tư xây dựng, mất tiền và công bơm nước, chi nhiều công dọn vệ sinh, mà vẫn ô nhiễm môi trường nuôi, phải thêm khâu xử lý chất thải và thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi thỏ.

Để khắc phục tình trạng trên, làm chuồng nuôi thỏ là nền chuồng được cải tạo làm bể nuôi giun quế, có đường đi ở giữa để chăm sóc cho thỏ hàng ngày, sử dụng đường nước uống bằng ống nhựa có lắp van nước tự động.

Ưu điểm: không mất công dọn chuồng, rửa chuồng, tận dụng phân, nước tiểu, thức ăn dư thừa (cỏ, rau) để làm thức ăn nuôi giun quế; sau đó thu hoạch giun quế để làm thức ăn nuôi gà, lợn…..


Chuồng nuôi thỏ kết hợp nuôi giun quế mang lại hiệu quả cao

Mọi chi tiết xin liên hệ: Lê Văn Khôi - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ĐT: 0915344128 để được tư vấn và trợ giúp./.

Bài và ảnh: Lê Văn Khôi

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam