00:00 Số lượt truy cập: 2668752

“Ông Bụt” ở vùng tôm 

Được đăng : 03/11/2016
Quần áo bạc màu, đi dép lê cũ kỹ, dáng người thấp đậm, khuôn mặt phúc hậu, chân chất, nếu mới gặp lần đầu ít ai biết ông Võ Hồng Ngoãn (tên thường gọi là Sáu Ngoãn) ở thị xã Bạc Liêu là tỷ phú, là “vua tôm” nổi tiếng nhất vùng ven biển bán đảo Cà Mau. Hơn thế nữa, ông còn là một người giàu lòng nhân ái với nhiều việc nghĩa đối với xóm làng, xã hội; người có ý chí và nghị lực tìm tòi, khám phá ra một qui trình nuôi tôm sạch có một không hai, đạt hiệu quả cao, bền vững được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng ven biển miền Tây Nam bộ.





Ông Sáu Ngoãn đến với nghề nuôi tôm cũng rất tình cờ và từ hai bàn tay trắng. Những năm sau đất nước thống nhất, ông là lái xe chuyên chở hàng phục vụ cho các đơn vị Quân khu 9 thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn Cam-pu-chia. Trở về đời thường với nghề lái xe, năm 2000 ông bắt tay vào nuôi tôm với diện tích nuôi thả 2ha. Ông đã tìm hiểu các nguyên nhân thất bát của người nuôi tôm trong vùng là do nuôi tôm mật độ quá dày (20 đến 40 con/m2), dễ gây ô nhiễm, khó chăm sóc tôm. Nắm rõ nguyên nhân và sau thời gian tự học hỏi, ông Sáu Ngoãn thử nghiệm quy trình nuôi tôm sạch. Mỗi mét vuông diện tích mặt nước ông chỉ thả với số lượng tôm giống thấp từ 7 đến 9 con, thức ăn cho tôm được dùng bằng ốc bươu vàng; nắm bắt rõ các hàm lượng chất trong nước vào mỗi giai đoạn…


Từ cách nuôi này, nguồn nước vừa không bị ô nhiễm, vừa giải quyết được nạn ốc bươu vàng ở các vùng nông nghiệp sâu trong đất liền. Có nhà thơ địa phương đã làm một bài thơ với tựa đề “Nuôi tôm bằng ốc bươu vàng” về cách nuôi tôm “lạ đời”, hiệu quả cao của ông Sáu Ngoãn, có đoạn như sau: “Ốc bươu vàng hại mùa màng/Dân càng kiếm bắt nó càng sinh sôi/Có người nghĩ cách diệt rồi/đem ngâm nước muối làm mồi cho tôm...".

Thực nghiệm và thấy rõ hiệu quả cao, bền vững của qui trình nuôi tôm sạch của mình, ông Sáu Ngoãn đã mang qui trình của mình đi giới thiệu cho mọi người trong vùng tìm hiểu, làm theo, nhưng “cơn lốc” nuôi tôm và những vụ mùa đầu thu lời cao nên chẳng ai nghe theo, thậm chí có người dè bửu cách nuôi tôm của ông là dở hơi, khác người. Đến khi cả vùng tôm Bạc Liêu lao đao vì thất bát triền miên, thì đối với ông lại thành công hết vụ tôm này đến vụ tôm khác, giá trị kinh tế hằng năm đạt hàng tỷ đồng. Mọi người mới thừa nhận ông nói đúng, lại tìm đến ông tìm hiểu, giúp đỡ. Qui trình nuôi tôm của ông được ngành khuyến ngư của tỉnh Bạc Liêu đánh giá đạt hiệu quả cao, đồng thời sử dụng làm tài liệu tập huấn cho nông dân, khuyến khích nông dân làm theo. “Thương hiệu” qui trình nuôi tôm sạch theo công nghệ của ông Sáu Ngoãn nổi tiếng từ đó. Nhiều nông dân ở Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến tìm hiểu ông đều hướng dẫn kỹ càng, tỉ mỉ, giúp mọi người cùng làm giàu. Từ đó, cả vùng tôm nơi ông ở dần làm theo qui trình nuôi tôm bền vững hiệu quả cao. Cảnh thất bát đã dần không còn, đời sống nhân dân khấm khá, hộ nghèo thấp dần. Riêng đối với ông Sáu Ngoãn, đến năm 2006 đã phát triển trang trại có diện tích gần 70ha, thu lãi hơn 4 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu) cho chúng tôi biết: Ông Sáu Ngoãn là một điển hình nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bạc Liêu, là đại diện của nông dân tỉnh dự các hội nghị quốc tế ngành thủy sản, hội nghị Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi toàn quốc, hội nghị Biểu dương chủ trang trại và doanh nghiệp nông thôn toàn quốc… Đối với chính quyền địa phương, ông Sáu Ngoãn chủ động tham gia rất nhiều việc làm từ thiện, hỗ trợ kinh phí xây cầu, làm đường giao thông, thủy lợi, làm nhà tình thương, mua bảo hiểm và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo...

Năm 2004, ông Sáu Ngoãn là đại biểu của tỉnh Bạc Liêu tham dự Hội nghị khoa học ứng dụng toàn quốc về khoa học công nghệ và nuôi trồng thủy sản. Tại đây, qui trình nuôi tôm sạch của ông đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu và đánh giá rất cao. Nhiều giáo sư của các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã về tận trang trại của ông Sáu Ngoãn để được thấy tận mắt, được nghe kể về qui trình nuôi tôm có một không hai.

Dù là tỷ phú, cách sống của ông Sáu Ngoãn rất giản dị, chất phác như một nông dân Nam bộ, thấu hiểu lẽ đời. Những việc nghĩa, nhân ái ông đã làm cho dân, cho xã hội khi tôi muốn tìm hiểu, ông một mực không nói. Ông không nói nhưng bà con và chính quyền địa phương từ ấp, xã, thị xã Bạc Liêu đều biết về ông và những việc nghĩa ông làm. Ở xã Vĩnh Trạch Đông này, người già, người trẻ, em bé đều coi ông Sáu Ngoãn như là “ông Bụt” của vùng ven biển. Những vuông tôm của ông rộng gần 70ha đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức lương từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng. Dịp cuối năm, mỗi lao động đều được thưởng từ 3 triệu đồng/người trở lên. Mỗi dịp lễ, tết cổ truyền của bà con dân tộc Khơ-me, ông Sáu Ngoãn đều trích hàng trăm triệu đồng mua quà cho các em nhỏ, tổ chức văn nghệ, lễ cho các em vui đón Tết. Ở Vĩnh Trạch Đông có một lớp học phổ cập giáo dục cho trẻ em nghèo do cán bộ đồn Biên phòng 664 (Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu) tổ chức giảng dạy. Biết các em nhỏ đều có hoàn cảnh khó khăn, lớp học phải mượn tạm nhà của dân để giảng dạy, ông Sáu Ngoãn đứng ra hỗ trợ toàn bộ sách vở, bảo hiểm y tế, quần áo cho các em; trích 40 triệu đồng xây 2 phòng học khang trang cho các em. Ông còn hứa, em nào học giỏi sẽ được ông hỗ trợ ăn học đến bậc đại học.

Tôi không biết nên kết câu chuyện về ông Sáu Ngoãn như thế nào, chỉ xin nhắc lại một việc khi chúng tôi rời Bạc Liêu: Ông đã tập hợp rất nhiều tài liệu, sơ đồ, hệ thống biểu đồ so sánh, hình ảnh, đĩa CD lưu trữ kiến thức qui trình nuôi tôm sạch mà ông đã dày công nghiên cứu, tìm tòi thể nghiệm thành công trên ruộng đồng và đưa cho chúng tôi… Ông nói: "Những tài liệu này, mong các anh giới thiệu rộng rãi cho bà con cả nước nghiên cứu và áp dụng trong nuôi tôm để đạt hiệu quả cao, không rơi vào thất bát, nợ nần, ô nhiễm vùng tôm…".