00:00 Số lượt truy cập: 2637623

Phân bón cho vụ ĐX 2006-2007 

Được đăng : 03/11/2016
Hội nghị bàn giải pháp cho thị trường phân bón vụ ĐX 2006-2007 diễn ra hôm qua (17/10) tại TPHCM cho thấy có nhiều bất ổn trong quản lý mặt hàng này. Trong khi nhà nhập khẩu (NK) phân bón và nhà SX trong nước tranh cãi về giá thì phân urê Trung Quốc giá rẻ ngày ngày vẫn “dội” vào Việt Nam. Mặt khác, số liệu dự báo lại “đá” nhau khiến nhiều người nghi ngại về khả năng cân đối cung cầu phân bón.

Sân chơi mới, nếp nghĩ cũ?!

Đại diện Hiệp hội Phân bón VN cho rằng phân urê nhập khẩu (NK) và sản xuất trong nước chưa có tiếng nói chung về giá gây khó khăn cho nhà NK. Vì vậy đề nghị Nhà nước cần can thiệp giải quyết tình trạng bức xúc về giá urê sản xuất trong nước và urê NK! Trước đề nghị này, ông Trịnh Thanh Bình-TGĐ Cty Phân đạm và hoá chất dầu khí bức xúc: “Tại sao cứ yêu cầu đạm Phú Mỹ phải ra giá áp sát với giá phân bón NK! Đã bước chân vào WTO, đạm Phú Mỹ cũng không có quyền định đoạt mức giá trên thị trường. Nhà nước cũng không thể can thiệp ông phải bán giá này, giá kia!”. Ông Bình lí giải, đạm Phú Mỹ ra đời để bình ổn thị trường urê trong nước. Tuy nhiên lúc này phải nhìn thẳng vào sự thật khi urê Trung Quốc (TQ) “chảy” vào VN qua con đường tiểu ngạch, thì Phú Mỹ cũng không thể cạnh tranh nổi. So với urê NK từ các nước Trung Đông, giá urê TQ rẻ hơn ít nhất 2 USD/tấn thì các nhà NK có thể tận dụng để kinh doanh được không. Giá của TQ luôn “đè” urê trong nước thì đương nhiên phải “sống chung” với nó.

TGĐ Cty Foodinco, ông Nguyễn Ngọc Thuật phân tích: “Đạm Phú Mỹ chỉ có thể cạnh tranh với urê NK từ các nước Trung Đông chứ không thể cạnh tranh lại TQ. Cơ chế thị trường rồi thì đừng bao giờ kiến nghị Bộ ngành điều chỉnh giá (chỉ có thể can thiệp bằng chính sách thuế)”. Đại diện Cty Phân đạm và hoá chất Hà Bắc cũng gợi mở: “Có một nghịch lý là nhiều nhà NK không nhập urê từ TQ. Thế nhưng khi nhà sản xuất urê trong nước bán ra giá thấp hơn giá urê NK từ Trung Đông thì kêu lên là bán thấp hơn giá thị trường. Phải hiểu giá thị trường là người mua có thể chấp nhận được. Do đó nhà NK cũng nên tập trung vào thị trường TQ để NK urê, vì giá rẻ hơn mà chất lượng của nó vẫn phù hợp với người tiêu dùng VN.

Đại diện cho nhà NK phân bón, bà Nguyễn Thị Ngọ-GĐ Cty TNHH Hoàng Lê có ý kiến rất mềm dẻo: “Cơ chế thị trường phải chấp nhận cạnh tranh. Có điều, tại sao số lượng phân bón tồn kho của DN vẫn luôn là con số bí mật?! Theo bà Ngọ, các DN cần ngồi lại với nhau, công bố số lượng tồn kho để tránh tình trạng trữ hàng, có lúc đua nhau hạ giá rồi tự… giết nhau! Sắp tới nhà NK ngồi lại, công khai lượng tồn kho, nắm chắc thông tin thị trường, cân đối và chia nhau số lượng urê NK thì sẽ hạn chế được rủi ro. “Vào WTO thì chấp nhận cạnh tranh chứ không thể kêu Nhà nước nữa!”-bà Ngọ tâm sự.

Dự báo có chuẩn xác?

Tổng thư ký Hiệp hội phân bón VN Nguyễn Hạc Thúy đánh giá: Qua 9 tháng đầu năm cho thấy, xu hướng nông dân giảm dùng phân đơn, đặc biệt là urê và họ chuyển sang dùng mạnh phân NPK, phân vi sinh, phân hữu cơ. Thị trường cạnh tranh gay gắt giữa phân bón trong nước và phân bón NK. Nổi cộm là urê NK tiểu ngạch từ Trung Quốc ngày càng nhiều. Urê tiểu ngạch và urê sản xuất trong nước luôn rẻ hơn urê NK chính ngạch. Vì vậy trong vòng 2 năm trở lại đây các nhà NK chính ngạch nhập về hầu hết đều bị lỗ (?). Theo ông Thuý, nhu cầu urê cho vụ ĐX 2006-2007 khoảng 820-920.000 tấn (miền Nam 460-500.000 tấn, miền Trung 100-120.000 tấn, miền Bắc 260-300.000 tấn). Riêng urê sản xuất trong nước dự kiến tồn kho trong 3 tháng… cuối năm là 330.000 tấn, trong đó đạm Phú Mỹ 195.000 tấn, đạm Hà Bắc 45.000 tấn và các nhà NK chính ngạch 90.000 tấn. “ 9 tháng qua, các loại phân sản xuất trong nước (urê, NPK, lân…) là 3, 1 triệu tấn, còn các loại phân NK (urê, DAP, SA, NPK, MOP) là 1, 7 triệu tấn”-ông Thuý nói.

Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Hoà-Cục phó Cục Trồng trọt thắc mắc: “Có sự chênh lệch quá lớn về số lượng phân bón NK mà Hiệp hội nêu ra. Bộ NN-PTNT công bố số liệu từ Trung tâm thông tin Bộ Thương mại, trong chín tháng, Việt Nam NK xấp xỉ 2,4 triệu tấn, trong khi Hiệp hội công bố là 1,7 triệu? Ông Thuý giải thích: “Chỉ mới cộng có 8 tháng, chưa có tháng 9”! Ông Hoà cũng nói yêu cầu phân bón cho vụ ĐX tới đây khoảng 1 triệu tấn, Bộ NN-PTNT dự báo tồn kho là 200.000 tấn nhưng số liệu của Hiệp hội cũng không khớp, đến 330.000 tấn. Do vậy cần xem lại để cân đối cho phù hợp. Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, ông Đỗ Duy Phi nhìn nhận: “Thông tin về số lượng phân bón đúng là vênh nhau vì mảng phân bón nhiều Bộ quản lý nên số liệu chưa thống nhất. Hội cũng đề nghị các hội viên hãy vì quyền lợi chung phải báo cáo thường xuyên số liệu tồn kho NK để mọi người nắm chắc và có phương hướng kinh doanh”. Như vậy có thể khẳng định, lúc này số liệu NK các loại phân bón cũng như lượng tồn kho của hầu hết các DN để tính toán cho vụ ĐX vẫn chưa rõ ràng!

Cần kiểm tra chất lượng phân bón tại nhà máy!

Báo cáo với đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội phân bón VN cho biết hiện có nhiều Cty phân bón mọc lên nhưng người làm chủ lại không có trình độ, chưa thông thạo phân bón nên sản xuất phân bón kém chất lượng. Bằng chứng tại Tây Nguyên, nông dân phản ánh mua phân bón N.P.K của Cty B.N bón xuống đất mấy tháng trời vẫn không tan! Từ thực trạng như nêu trên, ông Lê Quốc Phong-GĐ Cty phân bón Bình Điền đề nghị với cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra công nghệ của các nhà máy sản xuất phân bón vì quản lý chất lượng phải bắt đầu từ đầu nguồn ở nhà máy trước khi hàng hoá lưu thông ra thị trường.