00:00 Số lượt truy cập: 2637499

Phân tích chuỗi giá trị cây chè tỉnh Thái Nguyên (P2) 

Được đăng : 03/11/2016

2- Kênh giao dịch hoàn toàn dựa vào thị trường:

2.1- Thông qua các hộ trang trại:


Sơ đồ 4


Đây là những hộ có quy mô sản xuất và doanh thu lớn. Theo quy định của chính phủ, các hộ này phải có diện tích trên 1 ha và thu nhập trên 6 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, xét tình hình cụ thể của địa bàn nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phân các hộ có diện tích trên 0,3 ha thành hộ trang trại.

Các hộ trang trại thường có trình độ văn hóa, trình độ thâm canh, vốn sản xuất, năng lực tiếp cận thị trường cao hơn nhóm hộ HTX và nhóm hộ tự do. Các hộ rất năng động, nhanh nhạy với những biến động của thị trường, tích cực cập nhập thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động tiến hành các thí nghiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Họ cũng được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các chương trình, dự án do chính quyền, các tổ chức đoàn thể và NGOs triển khai. Các hộ thường có vốn nên ít phải đi vay.

Hầu hết các hộ đều có phương tiện chế biến, tuy vẫn còn đơn giản. Sản phẩm chè tươi thu hoạch chủ yếu được giữ lại để chế biến. Đôi khi, họ cũng mua chè tươi từ các hộ khác về chế biến. Họ chỉ bán chè tươi khi thấy được giá hoặc bán phần chè tươi có phẩm chất thấp cho người thu gom hoặc cơ sở chế biến. Sản phẩm chế biến xong được bán cho người bán buôn, rồi từ người bán buônn đi bán lẻ hoặc bán cho công ty để đóng gói xuất khẩu. Các hộ có điều kiện kinh tế nên thường giữ chè sau khi đã chế biến trong một thời gian nhất định và chỉ bán khi thấy giá cao. Như vậy, trong kênh này chúng ta thấy các hộ trang trại đóng vai trò rất tích cực và quan trọng. Xu hướng cho thấy các hộ này một mặt mở rộng quy mô sản xuất, một mặt đóng vai trò là nhân tố tích cực trong việc liên kết các hộ trong sản xuất và kinh doanh.

2.2- Kênh tiêu thụ qua hộ sản xuất nhỏ:

Sơ đồ 5



Đây là những hộ có quy mô sản xuất nhỏ nhất, trình trình văn hóa thấp nhất trong các nhóm hộ, thường xuyên thiếu vốn sản xuất, nhiều hộ có điều kiện sống khó khăn. Do đó, dù có sự giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức quần chúng,... các hộ này được tập huấn kỹ thuật nhưng việc iếp thu và áp dụng kiến thức có phần hạn chế, sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống và tận dụng khai thác sự màu mỡ của đất. Điều đó làm đất nghèo dần và năng suất chất lượng chè bị giảm sút. Ngoài ra, họ cũng được vay vốn với lãi suất thấp, không phải thế chấp, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả.

Ít hộ có điều kiện để mua máy móc chế biến thành chè khô. Các hộ chủ yếu là đi thuê chế biến hoặc chế biến theo phương pháp thủ công. Chất lượng chè chế biến thấp và không đồng đều do kỹ thuật chế biến và chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp. Ngay cả khi chè được chế biến họ cũng không có điều kiện để bảo quản và giữ chè trong một thời gian dài chờ đến khi được giá mới bán. Họ thường bán chè tươi ngay sau khi thu hoạch hoặc phải bán ngay sau khi chế biến thành chè khô với mức giá rất thấp. Chè chủ yếu bán chè cho người thu gom, sau đó người thu gom sẽ bán lại cho các cơ sở chế biến đối với trường hợp chè tươi và người mua buôn đối với trường hợp chè khô. Họ hầu như rất ít nhận được những thông tin sát thực về giá cả thị trường, thậm chí biết là giá bán thấp phải chịu thiệt, nhưng vẫn phải bán để trang trải những khoản chi trong gia định. Do vậy, trên thị trường họ dường như là người chấp nhận giá. Có thể nói, các giao dịch mua bán trong kênh hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, chứ không liên quan tới sự hợp tác cụ thể nào, chỉ trừ một số trường hợp, một số hộ chuyên sản xuất chè đặc sản theo thoả thuận với người mua gom ở địa phương hoặc thành phố lớn. Việc giao dịch này không bằng hợp đồng, mà chủ yếu dựa trên uy tín và sự quen biết nên cũng dễ gặp rủi ro.

4- So sánh các chuỗi tiêu thụ.

4.1- Chi phí sản xuất, giá bán và thu nhập đối với chè búp tươi:

* Chi phí:

Chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí sử dụng phân bón, thuốc BVTV của hộ trang trại cao hơn hộ tự do và hợp tác xãác do có điều kiện về kinh tế và trình độ canh tác khá hơn. Nguyên nhân chính là do cac hộ này có điều kiện về vốn, có trình độ thâm canh khá hơn nên có thể sử dụng phân bón cấn đối, hợp lý và đúng thời điểm. Ngoài ra đối với hộ nông trường viên, họ thường được DNNN ứng trước phân bón và thuốc BVTV nên có thể sử dụng theo nhu cầu. Một lý do khác là hai loại hộ này sử dụng nhiều phân bón vi sinh và thuốc BVTV sinh học nên chi phí sản xuất cao hơn, nhưng lại tốt cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Các hộ HTX và tự do có chi phí sản xuất thấp hơn, nhất là chi phí phân bón và thuốc BVTV do họ chủ yểu sử dụngkỹ thuật và kinh nghiệm canh tác truyền thống, khai thác độ màu mỡ của đất là chính và đôi khi sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại không rõ nguồn gốc giá rẻ. Do vậy, chi phí phân bón và thuốc BVTV caochưa hẳn là mức nguye hại cho sức khỏe con người và môi trường cũng cao. Bảng 1 cho thấy chi phí sản xuất/1 kg chè tươi của hộ trang trại và hộ nông trường viênrất cao, cao nhất là hộ trang trại với 2,69 nghìn đồng/kg, còn chi phí của hộ HTX và hộ tự do/kg chè tươi rất thấp, thấp nhất là hộ tự do với 1,27 nghìn đồng/kg.


Bảng 1: So sánh chi phí sản xuất, giá bánvà thu nhập đối với chè tươi giữa các nhóm hộ điều tra

Chỉ tiêu phân tích

Đơn vị tính

Hộ HTX

Hộ tự do

Hộ Nông trường viên

Hộ trang trại

Bình quân chung

Chi phí sử dụng phân bón/m2

 

0,58

0,54

1,15

1,27

0,77

Chi phí sử dụng thuốc trừ sâu/m2

 

0,17

0,14

0,30

0,24

0,20

Chi phí/1 kg chè búp tươi

 

1.54

1.27

2.29

2.69

1.76

Giá bán 1 kg chè búp tười

 

2.66

2.21

2.52

2.20

2.39

Thu nhập/1 kg chè búp tươi

 

1.12

0.94

0.23

-0.49

0.63

Tỉ lệ thu nhập/1 đồng chi phí

 

0.73

0.74

0.10

-0.18

0.36


* Giá bán:

Giá bán chè búp tươi của hộ HTX và hộ nông trường viên cao nhất, còn giá của hộ tự do gần như là thấp nhất 2,21 nghìn đồng/kg do chất lượng thấp và không biết nhiều về thông tin thị trường. Giá bán chè tươi của hộ trang trại thấp nhất vì họ chỉ bán những loại chè chất lượng thấp, loại chất lượng cao được giữ lại để chế biến.

* Thu nhập:

Nếu xét thu nhập/1 kg chè tươi (chưa qua chế biến) thì hộ HTX và hộ tự do có thu nhập cao hơn cả, trong đó hộ HTX có thu nhập cao nhất là 1,12 nghìn đồng/kg chè tươi, còn hộ nông trường viên và hộ trang trại rất thấp, thậm chí đối với hộ trang trại thu nhập này âm.

4.2- Chi phí, giá bán và thu nhập khi chế biến chè búp tươi thành chè búp khô.

* Chi phí:

Nhìn chung các hộ trang trại và hộ HTX thường sử dụng phương tiện chế biến đơn giản, nhưng đã được cơ giới hóa. Các hộ tự do sản xuất qui mô nhỏ thường phải đi thuê chế biến hoặc chủ yếu là chế biến thủ công. Do vậy, chi phí chế biến 1 kg chè búp khô của hộ trang trại là thấp nhất 5,5 nghìn đồng/kg, trong khi chi phí chế biến của hộ tự do và hộ HTX rất cao, lần lượt là 7,95 nghìn đồng và 8,35 nghìn đồng.

Bảng 2: So sánh chi phí chế biến, giá bán và thu nhập đối với chè khô giữa các nhóm hộ điều tra

Chỉ tiêu phân tích

Đơn vị tính

Hộ HTX

Hộ tự do

Hộ Nông trường viên

Hộ trang trại

Bình quân chung

Chi phí chế biến 1 kg chè búp khô

 

7,95

8,35

6,12

5,5

6,98

Giá bán chè búp khô

 

32,36

29,71

28,75

42,20

31,49

Thu nhập/kg chè búp khô

 

24.41

21.36

22.63

36.7

24.51

Tỉ lệ thu nhập/đồng chi phí

 

3.07

2.56

3.70

6.67

3.51


* Giá bán:

Giá bán chè khô lại ngược lại so với giá bán chè tươi, hộ trang trại có giá bán cao nhất vì chè có chất lượng cao do có kỹ thuật chế biến tốt hơn, nguyên liệu đầu vào tốt hơn, nắm bắt thông tin thị trường tốt hơn và thường có khách hàng quen biết. Hộ nông trường viên có giá bán chè khô thấp vì chất lượng chè nguyên liệu đầu vào không cao - chủ yếu là chè không đạt tiêu chuẩn thu mua của nông trường. Hộ tự do có chi phí chế biến cao hơn, nhưng lại có giá bán rất thấp, một phần do chất lượng sản phẩm, thông tin thị trường, một phần do thiếu vốn nên không giữ được sản phẩm đến khi giá cao mới bán, mà phải bán ngay sau khi chế biến, mặc dù biết rằng lúc đó giá chè không cao.

* Thu nhập:

Nếu xét thu nhập/1 kg chè khô (đã qua chế biến) thì hộ trang trại có thu nhập cao nhất là 36,7 nghìn đồng/kg, còn hộ tự do lại có thu nhập thấp nhất là 21,36 nghìn đồng/kg. Như vậy, thấy thu nhập/1 kg chè của hộ trang trại cao gấp gần 3 lần so với hộ tự do. Nếu tính tổng thu nhập/chi phí ta có thể thấy hộ tự do có tỉ lệ thấp nhất và chỉ bằng gần ½ của hộ trang trại và bằng 82,6% so với hộ hợp tác xã. Như vậy, có thể thấy rằng sản xuất quy mô lớn hơn, có điều kiện về vốn và kỹ thuật, đồng thời có sự hợp tác giữa các hộ sẽ có lợi hơn so với sản xuất quy mô nhỏ và không có sự liên kết, hợp tác với nhau.

4.3- Phân tích tổng hợp về chi phí, giá bán và thu nhập:

Qua nghiên cứu cho thấy hộ chế biến chiếm tỉ trọng chi phí cao nhất (54,98%), tiếp đó là hộ sản xuất và bán lẻ, thấp nhât là hộ thu gom và hộ bán buôn. Tỉ trọng trong giá bán của hộ chế biến cũng cao nhất (54,53%) tiếp đó là của người bán lẻ. Tỉ lệ này rất thấp đối với người sản xuất, người thu gom và người bán buôn, thấp nhất là người thu gom chỉ có 1,69%. Về thu nhập, hộ chế biến có tỉ trọng thu nhập cao nhất (55,08 %), tiếp đó là hộ bán lẻ (39,35%). Như vậy ta có thể thấy hộ chế biến và hộ bán lẻ có chi phí cao, thu nhập cũng cao. Ngược lại hộ sản xuất có chi phí cao, nhưng thu nhập lại thấp (1,42%). Hộ thu gom và bán buôn có tỉ trọng thu nhập thấp, chỉ cao hơn hộ sản xuất không nhiều, nhưng do có khôí lượng giao dịch lớn nên tổng thu nhập của họ cao. Chúng ta có thể thấy rằng để gia tăng giá trị cho sản phẩm của người nghèo thì chế biến là khâu có thể gia tăng giá trị nhiều nhất.