00:00 Số lượt truy cập: 2662343

Phát huy tiềm năng nông nghiệp từ công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016
Thực tế và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của các nước trên thế giới đều hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, giá trị cao về kinh tế; có mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.

Từ kinh nghiệm thế giới

Các nước đã thành công trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… dựa trên 2 yếu tố chính: Lợi thế từ điều kiện thiên nhiên hoặc địa lý, gần thị trường tiêu thụ; lợi thế từ khoa học, công nghệ và khả năng tài chính. Trong đó, với các nước phát triển, lợi thế về khoa học, công nghệ và tài chính được phát huy triệt để.

Ảnh minh họa

Công nghệ cao được áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu, bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, các công nghệ tiết kiệm đất như: Tăng cường sử dụng phân hóa học, trồng cây trong nhà kính, trong các giá thể… Ngoài việc phát triển “công nghệ cứng”, các nước cũng rất quan tâm phát triển “công nghệ mềm”, trong đó quan trọng nhất là công nghệ quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quản lý tốt hơn chất lượng nông sản, giúp nông sản có giá cao và ổn định hơn.

Các nước có điều kiện kinh tế xã hội tương tự nước ta cũng đã có chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá thành công. Theo một nghiên cứu của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 1998-2006, Trung Quốc đã phát triển được 405 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ cấp tỉnh trở lên và hàng ngàn cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước. Các khu này đóng góp trên 40% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung Quốc là: Coi khoa học công nghệ là đòn bẩy, lấy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm gốc; đầu tư hạ tầng hiện đại và đồng bộ; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đầu tư; mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Đến thực tiễn Việt Nam

Hiện Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hoạt động của các khu này còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung, cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, sản phẩm chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Thực tế đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao. Các mô hình thành công này đa phần là các cơ sở tư nhân hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa như sản xuất giống tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH, Công ty sữa Mộc Châu, các công ty trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt, Mộc Châu…

Ảnh minh họa

Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nhà nước đã thành lập và hoạt động hiệu quả chưa cao do chính quyền cơ sở chưa đủ quyết tâm, lựa chọn mô hình, sản phẩm để sản xuất chưa phù hợp, khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp. Một số địa phương có khả năng về tài chính nhưng lại sai lầm trong lựa chọn công nghệ (công nghệ lạc hậu hoặc công nghệ quá cao), chi phí đầu tư, vận hành quá đắt đỏ dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Điển hình là các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, tuy nhiên quá trình chuyển giao công nghệ chậm, chi phí vận hành quá cao nên thất bại.

Từ kết quả của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Việt Nam, mà trong đó phần nhiều là những thất bại đắt giá, Bộ NNPTNT và chính quyền các địa phương phải nhìn thẳng vào các yếu kém, tồn tại để có định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới phát huy hết các tiềm năng sẵn có của sản xuất nông nghiệp.

Biện pháp trước tiên là phải nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp: Rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với nghiên cứu thị trường, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy hoạch, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá. Nâng cao hiệu lực trong việc quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, coi truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Thứ hai là hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà và không “dám” đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này. Nhà nước đóng vai trò trung gian điều phối, trọng tài, tăng lòng tin cho các bên tham gia liên kết.

Thứ ba là quyết liệt đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong khối các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập, thực hiện xã hội hoá những lĩnh vực có tiềm năng, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng gọn nhẹ, gắn với sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện về thời gian cho các nhà khoa học, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học đầu ngành, đổi mới cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài, cả Việt kiều làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Thứ tư là việc lựa chọn, quyết định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (điều kiện tự nhiên, thị trường, khả năng tài chính, công nghệ, nhân lực..). Nên phân kỳ đầu tư để có bước đi thích hợp, tạo tiền đề tích lũy kinh nghiệm, tài chính và công nghệ để nhân rộng mô hình.

Khi phát triển thành công các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại và thích ứng với các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cho sản.

Hương Ly - Chinhphu.vn