Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh tra

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo đến từ các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Nghệ An, công ty chăn nuôi… đã tập trung đánh giá hiện trạng về đàn bò thịt của tỉnh; thức ăn chăn nuôi; công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh, chuồng trại và vệ sinh môi trường, vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt bò Nghệ An; những kinh nghiệm và bài học trong phát triển chăn nuôi.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, Nghệ An đang là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng tổng đàn trâu, bò, cơ cấu phân bổ về số lượng cũng như chất lượng khác nhau theo từng vùng miền. Tập quán chăn nuôi bò ở Nghệ An chủ yếu nuôi theo dạng truyền thống kinh nghiệm, quy mô chăn nuôi nông hộ phổ biến 1-2 con/hộ; số lượng trang trại không nhiều, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi thấp, một số hộ chăn nuôi vùng miền núi cao còn tập tính chăn nuôi thả rông chưa có chuồng trại.

Chăn nuôi bò hiện đang góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, giúp nông dân Nghệ An giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, chăn nuôi bò ở Nghệ An vẫn đang còn nhiều bất cập, khó khăn. Tốc độ phát triển đàn bò chưa tương xứng với tiềm năng, đang trong tình trạng phát triển hiệu quả chưa cao; quy mô chăn nuôi bò đa phần còn nhỏ lẻ, phân tán dưới dạng hộ gia đình. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất còn chậm; nhiều mô hình khoa học công nghệ chưa được nhân rộng trong sản xuất đại trà…

Báo cáo tại hội thảo của ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng cho hay, Nghệ An có tổng đàn bò trên 429.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 8.900 tấn. Hiện nay, cản trở lớn nhất là người chăn nuôi trang trại, gia trại thiếu đất đai lớn để áp dụng các tiến bộ khoa học hiện đại, trong khi thức ăn đạt chuẩn phần lớn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành đắt. Cả tỉnh chưa có nơi nào sản xuất, cung ứng giống bò đạt chuẩn; thiếu các lò giết mổ, chế biến thịt lớn, đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tổ chức chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt hàng hóa rất lỏng lẻo, bất cập.

Từ thực trạng trên, các đại biểu đã đề xuất các định hướng, mô hình, giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt hàng hóa. Theo đó, đề xuất tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá lại dự án đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa giai đoạn 2010-2015, để trên cơ sở đó và trên cơ sở kết quả của hội thảo xây dựng đề án phát triển chăn nuôi bò thịt hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An một cách cụ thể, chi tiết.

Đồng thời, đảm bảo tính khả thi, bố trí đủ quỹ đất để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án chăn nuôi bò thịt quy mô lớn; tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng thịt. Bên cạnh đó, phải định hướng được giống bò thịt hàng hóa chủ lực cho cả tỉnh và giống bò thịt cho từng vùng, miền; xây dựng và hình thành cho được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng lộ trình chuyển đổi bền vững từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao…/.

Nguyễn Văn Nhật/TTXVN