00:00 Số lượt truy cập: 2637697

Phong Bình: Nuôi lợn và trồng nấm hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều mô hình sản xuất được triển khai tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho người dân…


Ông Hồ Văn Phương (thôn Hòa Viện) có thu nhập khá từ mô hình trồng nấm rơm

Nông dân phấn khởi

Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án đàn lợn giống có tỷ lệ nạc cao đã hỗ trợ cho 42 hộ dân tại xã Phong Bình mô hình trồng nấm rơm trong nhà vòm mô hình nuôi lợn nái sinh sản. Sau một thời gian triển khai, bà con nông dân không chỉ thành công ban đầu với hai mô hình mới mà còn phát triển đầu ra ngoài địa phương và đầu tư phát triển sản xuất bền vững.

Những ngày này, các hộ dân trồng nấm rơm đang tăng cường chăm sóc, dùng than sưởi ấm trong nhà vòm vì tiết trời se lạnh. Ông Hồ Văn Phương (thôn Hòa Viện) cho biết: “Khi mô hình trồng nấm mới đưa về đầu năm 2014, bà con ai cũng còn ngần ngại chưa đăng ký tham gia. Sau một thời gian trồng mới thấy hiệu quả kinh tế khá cao, giải quyết việc làm cho bà con lúc nông nhàn”.

Từ kinh phí xây dựng NTM, huyện Phong Điền đã hỗ trợ nguyên vật liệu làm nhà vòm, bể ngâm, meo nấm và tập huấn kỹ thuật cho 7 hộ dân. Hộ ông Phương được hỗ trợ làm 2 vòm với hơn 1.000 bánh rơm. Tận dụng nguyên liệu rơm có sẵn, ông Phương ủ rơm trồng và xuất bán liên tục. Được tập huấn kỹ càng nên cách sản xuất của ông Phương khá bài bản. Một bịch meo giống 200gr được ông cấy 4 - 5 bánh rơm; bánh rơm cấy meo được đưa vào chất đống, đảm bảo nhiệt độ từ 32 - 340C. Thời gian ủ từ 5 - 7 ngày sau đó đưa lên giá trồng. Ông Phương nhẩm tính: ““Lứa” vừa rồi mình thu được trên 80kg nấm rơm, bán được gần 5 triệu đồng. Mỗi năm làm được mười lứa cho thu nhập 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng”.

Theo nhiều hộ dân diện tích lúa ở Phong Bình hàng năm đạt hơn 700 trăm ha nên có lợi thế nguồn nguyên liệu rơm có sẵn và có thể phát triển cây nấm rơm thành sản phẩm mang tính hàng hóa; góp phần giữ gìn môi trường và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm sau khi thu hoạch lúa. Đầu ra của nấm rơm được bán tại nhà và một số chợ lân cận nên bước đầu người dân khá yên tâm.

Đối với mô hình nạc hóa đàn lợn đang được 35 hộ dân ở Phong Bình triển khai khá hiệu quả. Nhiều hộ đến nay không chỉ chủ động sản xuất nguồn giống bán mà từ giống lợn ban đầu đã phát triển thành nuôi lợn thịt với số lượng khá lớn.

Anh Lê Phước Tính, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Bình cho biết: “Dự án hỗ trợ đến nay đã là đợt thứ 5 cho người dân các thôn Vĩnh An, Tây Phú, Triều Quý của xã Phong Bình với số lượng 150 con lợn nái, mỗi đợt từ 25 - 30 con. Đến nay, số lợn nái sinh sản tốt, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định từ nguồn giống ban đầu này”.

Hộ ông Nguyễn Hữu Châu (thôn Triều Quý) ban đầu được hỗ trợ 3 con lợn nái. Sau thời gian nuôi, ông Châu đã nhân được số lượng đàn lợn lên và chuyển sang nuôi lợn thịt. “Mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa từ 10 - 12 con/lứa. Giá lợn con nặng 8 - 10kg bán được 800 nghìn đến 1 triệu; với lợn thịt sau khi nuôi 3 tháng đạt 70kg thì xuất chuồng, lãi 600 nghìn đồng/con. Một năm trừ các chi phí cũng lãi được vài chục triệu đồng”.

Sản xuất bền vững

Anh Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, đánh giá: “Mô hình phát triển đàn lợn có tỷ lệ nạc cao và trồng nấm trong nhà vòm bước đầu cho thu nhập kinh tế khá ổn định và hướng đến thị trường tiêu thụ bên ngoài địa phương. Nhân rộng và phát triển các mô hình quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã đạt hiệu quả góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động nhàn rỗi trong nhân dân, tạo thêm thu nhập cho người lao động”.

Quá trình triển khai các mô hình, Phong Bình đã phối hợp với các ban ngành liên quan tiến hành mở 4 - 5 buổi tập huấn nhằm chuyển giao kỹ thuật giúp người dân thực hiện đúng quy trình nuôi trồng và tiếp cận các yếu tố để sản xuất bền vững. Yếu tố quan trọng là nấm rơm có thể trồng quanh năm, hiệu quả nhất là từ tháng 4 - 10 (DL). Về mùa đông, trồng nấm gặp một số khó khăn do ẩm độ không khí cao nên người dân khắc phục bằng cách đặt lò than trong vòm nấm nhằm tăng nhiệt độ nhà trồng, tạo nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển.

Anh Lê Phước Tính, Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Bình cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi mới tại địa phương bước đầu cho kết quả khá khả quan. Trồng nấm rơm, phát triển đàn lợn tăng tỷ lệ nạc không phải là một đối tượng mới. Tuy nhiên, để hướng đến sản xuất bền vững cần đòi hỏi người dân nắm vững khâu kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm khi đó mới thành công và năng suất cao. Để ổn định đầu ra sản phẩm thời gian tới cần mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài địa phương”.

Hà Nguyên