00:00 Số lượt truy cập: 2667925

Phòng bệnh cho tôm, cá mùa hè 

Được đăng : 03/11/2016

Để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ phát sinh bệnh, nhất là trong mùa hè nắng nóng, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường cho phù hợp với nhu cầu của thủy sản nuôi và giữ ổn định trong suốt vụ.


Sử dụng máy quạt nước để tạo ô xy cho ao nuôi.

Chống ô nhiễm hữu cơ

Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.

Thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh để ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi. Cần hạn chế dùng kháng sinh và hóa dược, bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa lượng chất hữu cơ lơ lửng và lắng tụ ở đáy ao.

Nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp bà con quản lý môi trường thích hợp và bền vững.

Quản lý độ trong

Độ trong của nước ao nuôi tôm sú tốt nhất là 30 - 40cm.

Để có độ trong thích hợp và ổn định, người nuôi cần:

Dùng phân hữu cơ, vô cơ, vi sinh để gây màu nước trước khi thả nuôi.

Định kỳ dùng vôi CaCO3 hay CaMg(CO3)2 để ổn định pH và độ cứng trong ao nuôi thủy sản nước mặn.

Dùng chế phẩm vi sinh (EM) cung cấp thường xuyên và đầy đủ muối dinh dưỡng và CO2 cho tảo phát triển ổn định.

Khi độ trong quá thấp, cần thay một phần nước hoặc tắt máy sục khí cho tảo dồn vào góc ao theo chiều gió, dùng formol nồng độ 4-10 ppm diệt bớt tảo, sau đó vận hành máy quạt nước trở lại.

Quản lý độ mặn

Sau cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn trong ao có sự phân tầng, cần phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi.

Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong các ao nuôi thủy sản vào mùa khô.

Quản lý pH

pH nước tăng cao hay xuống thấp không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thuỷ sản nuôi mà còn gây chết hệ thủy sinh trong ao, gây tàn tảo và tác động xấu tới môi trường, sức khỏe thủy sản.

Khi pH cao vượt quá giới hạn cho phép, có thể dùng đường cát (Sucrose) rắc xuống ao để làm giảm pH. Trường hợp khẩn cấp, có thể dùng một số loại axit hữu cơ phun xuống ao để giảm pH.

Quản lý lượng khí Ammoniac (NH3)

Sự tồn tại của NH3 trong hệ thống nuôi trồng thủy sản hoàn toàn bất lợi cho đời sống của vật nuôi. Trường hợp nặng có thể gây chết, nhẹ có thể gây sốc, làm tăng lượng NH3 trong máu, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, hô hấp, gan tụy và thần kinh.

Để quản lý hàm lượng NH3 trong ao, cần thực hiện một số biện pháp sau:

Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước.

Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 - 8,5 (nước mặn) để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ.

Có thể định kỳ dùng một số thuốc sát trùng có tính ôxy hóa cao để khử một lượng khí độc sản sinh ra trong ao nuôi (Iodine, BKC, H2O2…).

Quản lý khí Sulfua hydro (H2S)

Để tránh hiện tượng tôm, cá bị sốc hay chết do H2S, bà con có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Tăng cường hoạt động đảo nước, sục khí để H2S có thể thoát ra ngoài.

Khi nuôi tôm, cá trong rừng ngập mặn, cần vét hết chất thải, bùn sau mỗi chu kỳ nuôi, đầm nén kỹ đáy ao.

Khi có dấu hiệu tôm, cá bị ngộ độc do H2S, có thể thay nước khẩn cấp, sau đó tìm cách khử nguồn gốc sinh ra loại khí độc này.