00:00 Số lượt truy cập: 2662694

Phòng bệnh suy tim 

Được đăng : 03/11/2016

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh tại tim và ngoài tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho mọi cơ quan, gây rối loạn nặng nề nhiều hoạt động sống của bệnh nhân.


Trong các bệnh, nguyên nhân gây suy tim, quan trọng hơn cả là các bệnh tim mạch, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim co thắt, tâm phế mãn, bệnh van tim, thông liên thất, thông liên nhĩ, bệnh động mạch chủ, động mạch phổi, sau nhồi máu cơ tim, giảm oxy máu, giảm kali máu, toan chuyển hóa máu, tăng urê máu, dùng thuốc digitalin quá liều, dùng thuốc chống loạn nhịp liều cao. Một số bệnh khác cũng tiến triển đến suy tim như nhiễm độc giáp, badơđô (basedow), xơ gan, thiếu dinh dưỡng (nhất là thiếu vitamin B1, đạm), ngộ độc rượu, nhiễm độc thai nghén… Các yếu tố đẩy mạnh quá trình suy tim mất bù như tiếp thu quá nhiều natri Na (ăn mặn, dùngnhiếu thuốc có Na như Nabica, Natri Sulfat), truyền nhiều dung dịch Na, sử dụng nhiều thuốc giữ muối và Na (cortioid, hormon sinh dục), nhiễm khuẩn, nhất là đường hô hấp, môi trường quá nóng bức… Tiên lượng suy tim thường rất xấu, khoảng một nửa số bệnh nhân suy tim mất bù sẽ tử vong sau 5 năm nếu không được chữa trị tích cực…

Suy tim trước tiên là suy tim trái dẫn đến suy tim phải rồi suy tim toàn bộ.

Suy tim trái cấp gây khó thở vào ban đêm, lo sợ, ho, có thể xảy ra cơn hen tim hay phù phổi cấp. Bệnh mãn tính gây khó thở thường xuyên, ho, ho ra máu, da thâm tím nhẹ, nhịp tim nhanh, mạch khi mạnh khi yếu, mõm tim xuống thấp.

Suy tim phải gây khó thở, tim đập mạnh, nhịp nhanh, tim to ra, gan to và đau, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, trương bụng, buồn nôn, đi lỏng, rối loạn tâm thần, mất ngủ, hay quên, đôi khi mê sảng, ban đêm đi đái nhiều rồi chuyển sang đái ít, da thâm tím nặng, tĩnh mạch nổi phồng rõ, phù ở chân rồi phù toàn thân, phụ nữ có thể sẩy thai, vô sinh, rối loạn kinh nguyệt… Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân chỉ có nằm yên, không cử động mới đỡ mệt.

Bệnh cơ tim do suy dinh dưỡng gây tim to, nhất là to tim phải, suy tim, mạch nhanh, mạch nẩy mạnh, cơ tim bị teo hay xơ chun nội mạc, các đầu chi nóng.

Bệnh cơ tim do ngộ độc rượu, bia kết hợp có suy dinh dưỡng xảy ra và tiến triển từ từ ở người trung niên, gây huyết áp thấp, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, hay gặp rung nhĩ, đái tháo đường, tim to, ứ huyết phổi ở nhiều mức độ khác nhau.

* Phòng bệnh

- Cần cảnh giác thường xuyên với các nguy cơ dẫn đến suy tim, nhất là những người đã mắc sẵn các bệnh nguyên nhân như các bệnh tim mạch, dị dạng tim bẩm sinh, basedow, xơ gan… Thận trọng khi dùng các loại hóa dược chữa bệnh tim mạch, nhất thiết phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc… Không ăn nhiều các thức ăn giàu Na như bột ngọt (Na glutamat), thịt muối, trứng muối, cá mắm… mỡ động vật, pho mát… không uống nước đá lạnh, nước khoáng - tăng cường ăn các loại rau quả giàu kali.

- Cai bỏ rượu, bia, ngừa suy tim do suy dinh dưỡng: dùng các thức ăn giàu đạm và vitamin B1: Actiso, mộc nhĩ, chua me đất, rau muống, cà chua, cà rốt, rau cần tây, so đũa, hành tây, cải xoong, mướp đắng… xào nấu canh với gan, tim lợn, bò ăn; tăng cường ăn tươi đu đủ chín, chuối, dưa hấu, dưa bở… uốngbổ sung vitamin B1…

- Tăng cường dùng các loại thức ăn giàu kali, thải độc, bổ máu, trợ tim: actiso (tăng bài xuất ure, acid uric, cholesterol thừa, bổ tim, chống độc, lợi tiểu), bí đỏ, bó xôi (ngừa thiếu máu), quả cà dái dê (chữa thiếu máu, xuất huyết), cà chua (chữa toan hóa máu, tăng thải ure), cà rốt (chữa thiếu máu, xơ cứng động mạch), dưa chuột (chữa phù do tim), mã đề (lợi tiểu, chữa cao huyết áp), quả vải (bổ máu), chuối (chữa phù do tim, ngừa rối loạn tim, nhịp nhanh, đau thắt ngực), nho (giảm rối loạn do cao huyết áp…)

- Hạt sen 20g, mộc nhĩ 50g, lạc nhân 30g (hạt đỗ phộng, rang chín, xát bỏ vỏ lụa), củ hành ta 2 củ (thái lát), hoặc lá vông nem non 30g, lá dâu non 30g, lá lạc tiên non (nhãn lỗng) 30g (tất cả rửa sạch, thái nhỏ) - nhồi vào trong một trái tim lợn (heo) (không nêm muối), chưng chín ăn, 1 lần/ngày. Tác dụng: an thần, trợ tim, ngừa suy tuần hoàn…

- Bột sắn dây 50g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, hạt sen 20g, gừng lát (giã nhỏ) 4g - trộn đều, khuấy chín ăn, 1 lần/ngày.

- Hành tây 6 củ/ngày - thái lát, xào với đậu phụ (xắt miếng dài), ăn, 1 lần/ngày. Tác dụng: Ngừa phù thũng do suy tim. Nếu đã bị phù thì ăn liền 8-10 ngày, sẽ hết phù.

- Khoai tây 200g, đậu cove 100g, thịt lợn nạc 50g, nấu canh ăn, 1 lần/ngày. Tác dụng: lợi tiểu nhẹ, trợ tim, đẩy mạnh sự tái tạo tế bào, phục hồi chức năng của tim./.