00:00 Số lượt truy cập: 2638182

Phòng chống ruồi đục quả trên cây sơ ri 

Được đăng : 03/11/2016

Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đang hỗ trợ tỉnh Tiền Giang triển khai biện pháp “Quản lý tổng hợp IPM và áp dụng quy trình IPM đồng bộ trên diện rộng bằng chế phẩm SOFRI PROTEIN 10DD (do SOFRI nghiên cứu, SX), kết hợp với một số loại thuốc sinh học khác nhằm giảm thiệt hại do ruồi đục quả và các loại côn trùng gây hại khác trên cây sơ ri chuyên canh vùng duyên hải Gò Công”.


Các nhà khoa học SOFRI hướng dẫn nhà vườn thiết kế lại vườn tược, làm đất, trồng cây với mật độ phù hợp, giống tốt, có chế độ chăm sóc phù hợp trước trong và sau khi thu hoạch, chú trọng phân hữu cơ trong việc tái tạo độ phì nhiêu cho đất canh tác cũng như giúp vườn sơ ri phát triển nhanh, bền vững.

Đối với đối tượng ruồi đục quả và các côn trùng gây hại khác cần có biện pháp quản lý tổng hợp được áp dụng đồng bộ trên diện rộng. Phun chế phẩm SOFRI Protein 10DD hai đợt trong năm để phòng chống ruồi đục quả và các côn trùng gây hại khác. Để tăng hiệu quả, cán bộ Viện đã khảo sát thực tế, xác định số hộ trồng sơ ri tại hai huyện trọng điểm: TX Gò Công và huyện Gò Công Đông, thành lập các tổ thâm canh sơ ri có quy mô phù hợp để tiến hành phun thuốc đồng loạt, tránh tình trạng ruồi đục quả và côn trùng gây hại khác di cư từ vườn này sang vườn khác tiếp tục tấn công sơ ri.

Kết quả khảo sát thực tế trong hai năm liên tiếp rất đáng phấn khởi. Chất lượng trái sơ ri tốt hơn, năng suất và sản lượng được giữ vững, bán được giá cao hơn. Không còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV tràn lan không kiểm soát được trong khi hiệu quả phòng trị ruồi đục quả và các côn trùng gây hại khác rất kém, môi sinh môi trường đảm bảo.

Nếu trước đây, sơ ri đến mùa giá tụt xuống chỉ còn 500 đ/kg, bà con thất thu lớn thì hiện nay, giá luôn ổn định ở mức khoảng 4.000 đ/kg cho nông dân giá trị sản lượng 80 triệu đồng/ha. Cây sơ ri được xác định nằm trong nhóm các cây ăn quả chủ lực có lợi thế XK của Tiền Giang. Toàn tỉnh có trên 670 ha chuyên canh sơ ri cho sản lượng mỗi năm gần 15.000 tấn quả, trong đó phần lớn chế biến XK.