00:00 Số lượt truy cập: 2667130

Phòng và trị giun móc - giun lươn 

Được đăng : 03/11/2016

Hai loại giun này lây nhiễm trực tiếp qua da ở chân tay, thường gặp ở công nhân hầm mỏ, thợ đào đất, nông dân, người làm vườn, trồng nấm, sử dụng ao hồ, hồ bơi, đất ven sông, người thường đi chân đất…


Theo số liệu sơ bộ của tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì toàn cầu có khoảng 500-600 triệu người nhiễm giun móc và 35 triệu người nhiễm giun lươn, chủ yếu là các nước nhiệt đới, á nhiệt đới.

Giun móc có hai loại là ankylostome và necator, con trưởng thành dài 8-13mm, rộng 0,4-0,6mm, con cái một ngày đẻ khoảng 20.000 cái trứng. Ấu trùng lớn trong trứng ra ngoài môi trường gặp đất ẩm ướt sẽ nở ra trong 48 giờ. Vài ngày sau ấu trùng biến thành loại giun móc hình sợi chỉ, di chuyển tìm nơi đất tối, ẩm, sống trong một cái bọc mỏng và trong. Khi gặp thuận lợi, giun móc sẽ chui ngang da vào máu, lên tim phải, phổi và các phế nang, ngược lên khí quản rồi rơi vào thực quản để xuống dạ dày, ruột non và kí sinh ở tá tràng - đoạn đầu hổng tràng. Chúng sống được 3-14 năm, chủ yếu bằng hút máu nạn nhân, mỗi con chiếm đoạt khoảng 0,2ml máu mỗi ngày, nếu nhiễm 400 con thì mỗi ngày chúng ăn hết 40-50ml máu. Đồng thời chúng tiết một chất độc vào cơ thể nạn nhân làm tiêu huyết, ức chế tạo máu, làm thoái hóa các loại thức ăn đạm, mỡ, đường, gây tổn thương thành ruột non, giảm hấp thụ protid, sắt, vitamin, đưa đến hậu quả là người bệnh ngày càng thiếu máu nặng.

Giun từ đất xâm nhập vào cơ thể nạn nhân qua các nơi da mỏng như kẽ tay, kẽ chân, mắt cá, mu bàn chân… gây mẩn ngứa tại chỗ, viêm da nổi mọng nước, hoặc bình thường một mảng eczema rất ngứa, nếu cào gãi nhiều có thể bị nhiễm trùng, nổi nhiều nốt phỏng, vỡ mủ, loét lâu lành… Trong vài ngày ấu trùng giun móc di chuyển qua phổi, bệnh nhân đột nhiên bị sốt nhẹ thất thường, viêm họng đỏ khó thở, ho khan từng cơn, không có đờm, khan tiếng mất giọng, hen suyễn, rồi bệnh tự khỏi sau khi ấu trùng giun móc rời phổi… Người bệnh trong giai đoạn toàn phát sẽ nuốt đau, khó nuốt, biếng ăn, ợ chua, đầy bụng, sau bữa ăn càng đau quặn hơn, hay nôn ọe, trướng bụng, táo bón rồi tháo dạ, lúc đầu phân lỏng, sau lẫn máu, phân đen như kiết lị, kéo dài 2-3 tuần… Người bệnh thiếu máu ngày càng tăng, mi mắt - môi xanh nhợt, móng tay dẹt, lõm, khô, có sọc, dễ gãy, mạch nhanh, hay hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, hoa mắt, suy tim do thiếu máu lâu ngày làm tim to ra, nặng mặt, phù hai chân, có thể tiến tới phù toàn thân, có báng nhẹ, liệt tim và tử vong. Trẻ chậm lớn, nét mặt cằn cỗi, lì xì, tóc thưa, rối loạn thần kinh, múa vờn, động kinh, người lớn giảm thị lực, dễ quên, giảm phạn xạ gân xương, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.

Giun lươn cũng lây bệnh qua da như giun móc, con trưởng thành chỉ dài 2,5mm, rộng 0,034mm, phía đầu thon, phía đuôi tròn, miệng có 3 môi, con cái cả đời chỉ đẻ 50 trứng. Giun cái di chuyển và đẻ trứng trong niêm mạc, trứng sẽ nở liền ngay sau đó rồi theo phân ra ngoài; một số ấu trùng lại có khả năng bám trở lại hậu môn, số khác có thể lớn lên, giao phối, sinh sản, trưởng thành trong đất…

* Phòng bệnh

Các đối tượng mà nghề nghiệp có nguy cơ nhiễm giun móc, giun lươn khi lao động cần mang ủng, găng tay bảo vệ, không để trẻ chơi lê la đất cát, không ăn rau sống, uống nước lã, không bón rau bằng phân người, cần thường xuyên đi giày dép… Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.

* Tẩy giun móc, giun lươn

- Nhân trần, người lớn dùng 15g - sắc uống vào buổi sáng lúc đói, 1 lần, giun chết sau 10-15 phút. Thuốc ít độc với người.

- Vỏ rễ hay vỏ thân cây lựu tươi, người lớn dùng 60g - cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, cắt vụn, ngâm trong nước chín 750ml qua một đêm, sắc cạn còn 300ml, gạn lọc bỏ bã, chia 3 phần bằng nhau, uống vào sáng sớm lúc đói, cách nửa giờ uống 1 phần, sau khi uống liều cuối cùng 2 giờ thì uống một liều thuốc tẩy magie sunfat 30g. Nằm nghỉ, nhắm mắt cho đỡ chói mắt, khó chịu, đợi thật buồn đi cầu mới đến ngồi ngâm đít vào chậu nước ấm (pha 3 lần nước lã, 2 phần nước sôi), sau đó 25- 30 phút giun sẽ ra hết.

- Vỏ rễ lựu khô 40g, đại hoàng 4g, binh lang 4g - chế biến và dùng như trên.

- Sau khi đã tẩy giun, chữa thiếu máu, da mặt xanh tái, củng mạc mắt vàng nhạt, váng đầu, hoa mắt, tay chân bải hoải, nước tiểu vàng, bàn chân phù nề, sốt nhẹ: Thục địa 20g, phục linh 16g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, hà thủ ô 16g, đan sâm 12g, mộc hương 12g, tam thất 8g, đương quy 12g - tam thất tán bột, hòa nước sắc các vị khác uống, 1 thang/ngày, 15-20 thang đợt./.