00:00 Số lượt truy cập: 2662091

Phú Thọ: Cẩm Khê hiệu quả 5 chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm 

Được đăng : 03/11/2016
Với bề dày truyền thống của một huyện nông nghiệp, Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ đã xác định cách tốt nhất để khắc phục khó khăn phát huy lợi thế là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH bằng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cẩm Khê đã xây dựng và thực hiện hiệu quả 5 chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm dựa trên cơ sở định hướng của tỉnh. Đó là các chương trình: sản xuất lương thực, phát triển thủy sản, phát triển đàn bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng chè và trồng rừng.

Cẩm Khê đều có những điều kiện thuận lợi về diện tích đất đai, nguồn nhân lực dồi dào cộng với đức tính cần cù chịu khó của người nông dân. Tuy nhiên để chuyển dịch được cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện cũng xác định cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Trong sản xuất lương thực, chương trình được huyện đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, huyện đã chỉ đạo nông dân giữ vững diện tích lúa chủ động nước tưới, chuyển mạnh diện tích cao hạn sang trồng cây rau màu. Bên cạnh đó chuyển đổi cơ cấu giống, bằng những giống lúa lai, năng suất cao, chuyển đổi cơ cấu trà mùa phù hợp với từng vùng sản xuất và điều kiện thời tiết để trồng cây vụ đông. Công tác khuyến nông, ứng dựng khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, các dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật tư phân bón được chú trọng, từng bước được xã hội hóa tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Huyện cũng quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi góp phần đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chủ động tưới tiêu. Huyện còn thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá các loại giống mới, trong đó dành một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ khảo nghiệm giống mới và xây dựng các mô hình trình diễn để nhân ra diện rộng. Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình sản xuất lương thực trọng điểm, diện tích lúa bình quân của huyện đạt 7.800ha/năm, năng suất tăng dần từ 43 tạ/ha lên 47,5 tạ/ha. Diện tích ngô tăng 600ha so với năm 2001. Diện tích các giống lúa mới: Nhị ưu 838, Bồi tạp Sơn thanh, Q ưu 1, Khang dân đột biến, Q5, AIT77 và các giống ngô lai chủ lực: DK888, C919, NK4300... được mở rộng. Năm 2006 sản lượng lương thực toàn huyện đạt gần 40.000 tấn tăng gần 3.000 tấn so với năm 2001.

Đối với chương trình phát triển thủy sản, huyện xác định thủy sản là khâu đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ những cánh đồng chiêm chỉ gieo cấy được một vụ lúa bấp bênh, cùng với chủ động dồn đổi ruộng đất, Cẩm Khê đã nhanh chóng tạo ra những vùng sản xuất rộng lớn. Huyện còn chủ động nguồn thủy sản giống mới như tôm càng xanh, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính... và hướng dẫn nông dân phương pháp nuôi an toàn. Hàng năm huyện thực hiện từ 2 đến 3 mô hình trình diễn chăn nuôi thủy sản giống mới để nông dân tham quan, học tập nhân ra diện rộng.

Năm 2001 toàn huyện mới chỉ có 698ha nuôi thả cá với sản lượng đánh bắt 765 tấn, đến năm 2006 diện tích nuôi thả cá đã tăng lên 1.700ha, sản lượng 3.000 tấn. Phong trào chăn nuôi thủy sản, chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc 1 lúa 1 cá đang được đẩy mạnh ở các xã Văn Khúc, Điêu Lương, Tuy Lộc, Sơn Nga, Xương Thịnh.

Chương trình phát triển đàn bò đã được huyện quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng thâm canh kết hợp với chăn thả tại các vùng trọng điểm và các vùng lân cận có điều kiện. Huyện khuyến khích hộ nuôi tự dồn đổi ruộng đất để dành quỹ đất xây dựng chuồng trại, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò thịt theo quy mô nông hộ, trang trại. Năm 2006 huyện xây dựng dự án và quy hoạch 6 xã thực hiện dự án phát triển đàn bò thịt, bò lai chất lượng cao. Thực hiện chủ trương Sind hóa đàn bò, những năm qua Cẩm Khê đã đưa được những giống bò lai chất lượng cao về nhân giống ở địa phương thông qua việc hỗ trợ nông dân mua bò đực giống lai ZEBU có từ 2-3 máu ngoại trở lên để phối giống trực tiếp với đàn bò nái sinh sản. Công tác chuyển giao KHKT cũng được huyện quan tâm chú trọng, đặc biệt là tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi bò nhốt, bò vỗ béo, trồng cỏ... Cùng với đó huyện còn tăng cường đội ngũ cán bộ thú y để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc an toàn. Đến nay tổng đàn bò toàn huyện đạt gần 16.500 con tăng 7.000 con so với năm 2001, trong đó tỷ lệ bò lai sind đạt 27% tăng trên 10%. Hình thức chăn thả tự do đang được nông dân thay thế bằng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp.

Chương trình trọng điểm thứ tư mà huyện Cẩm Khê thực hiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là trồng rừng và bảo vệ rừng. Để đưa độ che phủ rừng tăng từ 18% lên 23%, huyện Cẩm Khê đã làm tốt công tác quản lý rừng và đất rừng, trong đó chủ động quy hoạch vùng trồng, giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng cho các cơ sở. Bên cạnh đó huyện còn có những cơ chế, chính sách khuyến khích hộ dân trồng rừng sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng cọ, diện tích vườn đồi kém hiệu quả sang trồng rừng; liên doanh, liên kết với các lâm trường trồng rừng nguyên liệu giấy... Đến nay diện tích đất có rừng của huyện đạt gần 6.750ha tăng 1.653ha so với năm 2001, trong đó có 932ha rừng phòng hộ, 668ha rừng sản xuất. Bình quân mỗi năm huyện trồng được 200ha rừng tập trung với 400 ngàn cây phân tán. Cùng với công tác trồng rừng, huyện còn thực hiện nhiều biện pháp cương quyết để bảo vệ rừng như: giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái phép; ngăn chặn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng quy hoạch; xử lý quyết liệt những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, cây chè cũng được huyện xác định là cây kinh tế mũi nhọn. Do vậy huyện cũng thực hiện nhiều chủ trương và giải pháp hữu hiệu để chỉ đạo nông dân đẩy mạnh thâm canh, trồng dặm diện tích chè cũ và mở rộng diện tích chè mới năng suất cao, chất lượng tốt. Nếu năm 2001 diện tích chè của huyện mới chỉ đạt 690ha thì đến nay đã tăng lên 907ha. Sản lượng chè cũng tăng từ 2.335 tấn lên 3.245 tấn. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa, tập trung ở các xã vùng đồi như: Ngô Xá, Điêu Lương, Đồng Lương, Hương Lung, Phượng Vỹ, Tiên Lương, Chương Xá... Hệ thống các cơ sở chế biến chè cũng được hình thành ở nhiều địa phương giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi dễ dàng. Hiện tại toàn huyện có 5 doanh nghiệp chế biến chè và nhiều cơ sở chế biến chè quy mô hộ gia đình phát triển mạnh. Đến giữa năm 2006 số tiền huyện giải ngân với lãi suất ưu đãi cho các hộ trồng chè đã lên tới trên 1 tỷ đồng.

Qua 5 năm triển khai thực hiện 5 chương trình kinh tế trọng điểm, sản xuất nông nghiệp của Cẩm Khê liên tục tăng với tốc độ bình quân 4,4%/năm. Đời sống của nông dân được cải thiện đáng kể. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4,2 triệu đồng/người/năm. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Cẩm Khê đang là hướng đi đúng đắn tạo đà để thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn trên địa bàn./.