00:00 Số lượt truy cập: 2668149

Quy trình nuôi hải sâm cát trong ao 

Được đăng : 03/11/2016

Hải sâm cát là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học. Do hải sâm cát sống ở vùng nước nông và di chuyển chậm nên hiện nay chúng đã bị khai thác cạn kiệt. Việc nhân giống và nuôi hải sâm thương phẩm làm đối tượng giúp người nuôi xóa đói giảm nghèo cũng như khôi phục một loài sinh vật biển đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiến hành thành công.



Hải sâm cát có cơ thể giống như quả dưa chuột, trung bình dài 20cm, da sần sùi, hơi nhám và mềm nhũn. Đầu trước có lỗ miệng, vành xúc tu, và đầu sau có hậu môn. Chúng không có mắt, có 5-10 xúc tu để bắt mồi, xúc tu giữa có nhiệm vụ như xúc giác; chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột. Phần lớn phân tính, trứng và tinh trùng cùng ở một tuyến sinh dục, nhưng hình thành ở những thời gian khác nhau. Chúng có khả năng sinh sản vô tính theo kiểu chia cắt cơ thể, rồi tái sinh lại phần thiếu hụt.

Hiện nay, hải sâm cát là đối tượng có giá trị kinh tế khá cao. Giá thu mua hải sâm khô ổn định ở mức trên 100 đến 200 USD/kg khô. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước còn chưa đáp ứng nổi, trong khi thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… cũng đang rất cần loại hải sâm cát này. Vì vậy, đây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới nhằm giúp người xóa đói giảm nghèo.

Để nuôi hải sâm cát, bà con cần biết một số đặc điểm sinh học của loài này. Hải sâm cát có tập tính sống đáy, sử dụng mùn bã hữu cơ và vi sinh vật làm thức ăn nên được coi là một đối tượng có khả năng làm thay đổi hệ sinh vật đáy. Một đặc điểm nữa ở hải sâm giúp chúng tồn tại ngoài tự nhiên là khi bị tấn công là chúng sẽ tự vứt bỏ toàn bộ ruột của mình. Và trong khi kẻ tấn công thưởng thức phần ruột đó thì chúng vùi mình xuống cát hoặc lẩn tránh đi nơi khác. Và chỉ vài tháng sau đó, chúng sẽ tự tái sinh toàn bộ hệ tiêu hóa của mình. Đây được coi là một khả năng kì diệu của loài hải sâm cát.

Sau đây là quy trình nuôi hải sâm cát do kỹ sư thủy sản Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III- chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và thế giới về hải sâm cát hướng dẫn.

I. Nhân giống hải sâm

1. Nuôi hải sâm bố mẹ

- Hải sâm cát bố mẹ: khỏe mạnh, không trầy xước, không bị bệnh. Chúng được đánh bắt từ tự nhiên hoặc chọn lọc từ các ao nuôi thương phẩm. Kích cỡ tốt nhất nên lớn hơn 250 gam.

- Sau khi tuyển chọn và vận chuyển về trại, hải sâm được nuôi giữ trong ao hoặc trong đăng có điều kiện thích hợp để nuôi vỗ.

- Trong quá trình nuôi, thường xuyên vệ sinh đăng cho nước thông thoáng còn đối với nuôi ao thì quản lý môi trường ổn định, thay nước thường xuyên đảm bảo hải sâm phát triển bình thường.

2. Kích thích sinh sản và thu trứng

Do phân biệt cá thể đực và cái khó khăn nên mỗi đợt sinh sản cần chọn 30-40 con để kích thích cho đẻ. Rửa sạch hải sâm trước khi chuyển vào đẻ. Sục khí 24/24 giờ. Sau khi kích thích vài giờ, con đực phóng tinh, sau 20 - 30 phút con cái đẻ trứng. Quá trình phóng tinh và đẻ trứng khoảng một vài giờ. Sau đó, cấp thêm nước mới vào bể đẻ để làm loãng mật độ trứng. Dùng ống siphong hút trứng thụ tinh cách đáy 1-2 cm, không hút trứng chìm dưới đáy bể.

3. Ương nuôi ấu trùng

- Trứng sạch được chuyển vào bể ấp với mật độ từ 1 – 2,5 trứng/ml.

- Sau khoảng 36-40 giờ, trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng được chuyển vào bể ương, thức ăn của ấu trùng giai đoạn này là các loại tảo đơn. Sau 30 - 45 ngày ấu trùng thể đạt kích thước 1 - 2mm, có thể chuyển ra ương giống.

II. Nuôi hải sâm thương phẩm

Hiện nay, nuôi hải sâm cát trong ao là hình thức nuôi phổ biến, đã được các chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III triển khai ở nhiều địa phương.

                                                  
                                                                       Ao nuôi hải sâm cát

1.1. Chuẩn bị ao nuôi:

Vị trí ao nuôi:Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn.Vì vậy, ao nuôi phải được thay nước thường xuyên, vừa để tránh ô nhiễm, vừa cung cấp thức ăn cho hải sâm nên bà con chọn ao có vị trí gần biển, dễ thay nước theo thủy triều và có độ mặn ổn định.

Diện tích ao nuôi: Ao nuôi có diện tích khoảng 5.000m2- 10.000m2.

Điều kiện môi trường :

 - Độ mặn: Dao động từ 25 - 30‰.

 - PH: Dao động từ 7,5 - 8,5.

- Nhiệt độ nước: Từ 26 - 290C.

- Độ sâu mực nước ao: 1,2m.

- Đáy ao: Bùn cát.

Cải tạo ao:

- Do hải sâm cát di chuyển chậm nên để tránh bị địch hại tấn công, bà con cần diệt tạp, các loại địch hại trước khi thả giống. Ngoài ra, khi cải tạo ao nuôi hải sâm cát, bà con lưu ý nên bón thêm vôi để bổ sung thêm canxi và diệt tạp trong ao. Liều lượng bón vôi khoảng 200kg/ha.

- Thức ăn của hải sâm cát là chất mùn bã hữu cơ có trong đáy ao nên khi cải tạo ao, bà con lưu ý không nên cải tạo ao quá sạch vì như vậy sẽ làm mất đi lượng thức ăn của hải sâm.

- Sau khi bón vôi diệt tạp, phơi khô ao khoảng 3,4 ngày thì bà con có thể thả nuôi hải sâm. Trên ao bố trí các giàn đập để cung cấp thêm oxy cho hải sâm cát. Bà con chú ý, khi làm cống lấy nước thì nên có hệ thống lưới chắn để ngăn rác và địch hại vào trong ao.

2. Thả giống:

Chọn giống : Con giống sạch bệnh, màu sắc tươi sáng. Hải sâm cát giống thường có màu nâu hoặc màu đen. Hải sâm giống nên mua ở những trung tâm sản xuất giống uy tín, kích cỡ giống từ 2- 20 g/con.

Vận chuyển con giống: Bà con tính quãng đường đi để chọn phương pháp vận chuyện phù hợp.

-Nếu phải đưa con giống đến nơi xa khoảng 100km trở lên thì bà con nên vận chuyển bằng túi nilong có oxy.

- Còn nếu ao nuôi ở gần cơ sở sản xuất giống thì bà con dùng phương pháp vận chuyển hở. Dùng thùng xốp có chọc lỗ nhỏ, bắt hải sâm giống vào thùng. Những lỗ nhỏ trên thùng xốp có tác dụng thoát nước vì khi bắt hải sâm giống sẽ mang theo nước vào thùng. Bà con chú ý tránh không để nắng chiếu trực tiếp vào hải sâm giống.

Kỹ thuật thả giống : Khi thả hải sâm giống, để chống sốc cho hải sâm giống, bà con cần cân bằng nhiệt độ và độ mặn trong thùng giống với môi trường ao. Bà con nên ngâm thùng giống xuống ao, chờ khi con giống hoạt động linh hoạt thì tiến hành thả giống. Bà con nên thả cách xa bờ để tránh hải sâm bị xây xát. Mật độ thả từ 1 đến 2 con/m2.

Thời gian thả giống : Thích hợp nhất là sáng sớm hoặc chiều tối để đảm bảo trời mát, nhiệt độ phù hợp, không bị sốc nhiệt hoặc độ mặn.

- Ngoài ra lưu ý nếu bà con có ao nuôi hải sâm cát nằm trong vùng có độ mặn thấp vào mùa mưa thì nên thả giống có kích cỡ lớn để thời gian nuôi rút ngắn lại. Còn với những ao nuôi ổn định về nhiệt độ, độ mặn thì có thể thả con giống quanh năm và chọn con giống kích cỡ nhỏ hơn để giảm chi phí đầu vào.

         3. Quản lý chăm sóc:

- Thay đổi nước thường xuyên : Quá trình thay nước này sẽ bổ sung oxy và tăng cường dinh dưỡng, mùn bã hữu cơ từ tự nhiên vào ao. Điều đó cũng giúp hải sâm cát giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

                                                   
                             Hải sâm cát có tập tính sống đáy, sử dụng mùn bã hữu cơ và vi sinh vật làm thức ăn

- Dọn bắt các sinh vật lạ : Đối với hải sâm nhỏ, mới thả nuôi, sức đề kháng yếu, không có khả năng phòng thủ và tốc độc lẩn trốn chậm nên bà con cần chú ý thường xuyên kiểm tra ao để vớt dọn rong rêu, tránh để ao bị yếm khí và bắt các loài địch hại như ốc, cua, tôm..

- Kiểm tra độ mặn : Cần đảm bảo độ mặn ổn định bằng cách đo độ mặn hằng ngày.

Đặc biệt vào mùa mưa. Khi trời mưa thì nước mưa sẽ làm độ mặn bị phân tầng và giảm độ mặn phía trên, làm nóng phần đáy do phần trên sẽ làm một cái thấu kính chiếu xuống đáy. Sau khi trời nắng lại sẽ làm nền đáy nóng kết hợp với việc yếm khí sẽ làm cho hải sâm chết rất nhanh. Để hạn chế, nà con có thể xử lý bằng cách tắt hết các quạt đảo nước trong ao, xả nước tầng mặt sau đó cấp nước lại.

- Kiểm tra thường xuyên tốc độ lớn của hải sâm cát : Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn. Thời gian nuôi thường là từ 8 – 10 tháng. Nếu hải sâm cát phát triển chậm lại do lượng mùn bã hữu cơ trong ao không đủ thì bà con có thể bổ sung thêm thức ăn có nguồn gốc hữu cơ cho hải sâm.

- Phòng bệnh : Hải sâm ít mắc bệnh. Tuy niên, nếu nước ở trong ao ít được thay, ao bị yếm khí sẽ gây một số bệnh trên hải sâm như bệnh lở loét. Để khắc phục tình trạng này, bà con cần thay nước mới cho ao, bật quạt đảo nước để cung cấp thêm oxy, khắc phục tình trạng yếm khí ở tầng đáy.

- Khuyến cáo : Hiện nay, một số đề tài khoa học đang nghiên cứu để tiến hành nuôi kết hợp hải sâm cát với tôm sú. Tuy nhiên kết quả chưa được công bố. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, bà con nên nuôi đơn hải sâm cát trong ao hoặc luân canh tôm sú và hải sâm để giảm chi phí sản xuất.