00:00 Số lượt truy cập: 2667821

Sóc Trăng: những gương thanh niên nông thôn vượt khó làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 40.000 thanh niên đang trực tiếp làm kinh tế hộ gia đình. Các cấp Hội Liên hiệp thanh niên Sóc Trăng đã tích cực khai thác các nguồn vốn từ: Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo… hàng năm đã giúp cho hơn 10.000 hộ thanh niên vay với số tiền trên 20 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có nhiều thanh niên xây dựng kinh tế cho thu nhập bình quân từ 30 triệu đến 50 triệu đồng /ha/năm.


Điển hình trong hàng ngàn thanh niên làm kinh tế giỏi của Sóc Trăng phải kể đến anh Phạm Văn Phúc ở xã Viên An, huyện Mỹ Xuyên. Trước đây mặc dù có trên 10 công (1 xông bằng 1.000 m) ruộng nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn luôn gặp khó khăn do không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ ngày tham gia vào sinh hoạt trong "câu lạc bộ cánh đồng mẫu" của xã, được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nên anh là một trong những thanh niên làm lúa giỏi với năng suất luôn đạt từ 6 đến 7 tấn/ha/vụ. Một năm anh thu về từ 12 đến 15 tấn lúa, thu nhập trên 35 triệu đồng chưa kể thu nhập phụ từ vụ màu và trồng một số loại cây xen canh khác.

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 2, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách cho biết: trước đây, gia đình anh chỉ có 3 công đất ruộng, vợ chồng anh làm mãi mà chẳng đủ ăn, thiếu trước rồi lại hụt sau. Làm lúa, năm cao nhất cũng chỉ thu về sau khi trừ chi phí còn khoảng 2 triệu đồng, chưa nói là có năm hòa vốn hoặc lỗ vốn đã làm cho kinh tế gia đình hết sức chật vật. Sau khi, theo lời anh em và thanh niên ấp vận động, anh Hoàng đến với tổ chức đoàn, anh được các bạn xét cho mượn được 3 triệu đồng từ nguồn vốn "tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế". Từ số vốn này, Hoàng đã chuyển toàn bộ đất làm ruộng lên thành liếp trồng ổi và kết hợp nuôi cá dưới mương vườn. Vụ đầu anh thả 5 kg cá giống gồm: rô phi, điêu hồng, cá chép. Lấy công làm lời, anh bắt ốc bươu vàng và tận dụng các phụ phẩm sẵn có làm thức ăn cho cá. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, anh thu hoạch và trừ đi chi phí còn lời trên 3 triệu đồng. Hiện nay, mỗi năm anh thu về trên 6 triệu đồng tiền lời. Phương thức sản xuất này đã giúp gia đình anh cải thiện nguồn thu nhập và có vốn tích lũy. Với 5 công đất vườn và 10 công đất ruộng, anh Hoàng đã có thu nhập chắc tay mỗi năm trên 30 triệu đồng.

Năm 1999, khi lập gia đình và được cha mẹ chia cho 10 công đất ruộng (1,3 ha), anh Trần Quốc Khởi, ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, một phần do chưa có kinh nghiệm sản xuất, một phần do hệ thống thủy lợi nội đồng chưa khép kín nên ngăn suất lúa nếu trừ chi phí sản xuất thì gia đình chỉ còn đủ ăn. Năm 2000, anh tham gia sinh hoạt trong chi đoàn của ấp và là thành viên "câu lạc bộ IPM thanh niên" ở xã. Từ việc tham quan và tiếp cận các mô hình sản xuất đa canh, anh quyết định chuyển 4 công ruộng lên lập vườn cây ăn trái và nuôi cá thả vườn kết hợp với chăn nuôi heo. Với tính ham học hỏi và chịu làm nên vườn cây của anh ngày một xanh tốt, ao cá, đàn heo ngày một sinh sôi, nảy nở. Hiện nay, chỉ riêng với trên 400 gốc xoài cát Hòa Lộc gia đình anh đã thu được trên dưới 10 tấn trái mỗi năm. 1.500 m2 ao mương, mỗi năm nuôi 2 vụ cá và với gần 1 ha đất làm ruộng 2 vụ. Tổng thu nhập anh thu về trên 70 triệu đồng mỗi năm.

Ở Sóc Trăng hiện nay còn rất nhiều thanh niên như anh Phúc, anh Hoàng, anh Khởi. Họ chính là đại diện cho lớp thanh niên nông thôn Sóc Trăng đã đi lên từ nghèo khó, được sự trợ giúp của tổ chức đoàn, hội thanh niên. Nhưng quan trọng hơn hết, họ là những người có tinh thần vượt khó vươn lên, cầu tiến và dám nghĩ dám làm, biết áp dụng tiến bộ KHKT vào đồng ruộng để làm giàu chính đáng.../.