00:00 Số lượt truy cập: 2668278

Sông Hinh (Phú Yên): Mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016
Trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên), mô hình gia trại, trang trại đang mang lại hiệu


Một mô hình trang trại, gia trại tại huyện Sông Hinh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: MINH DUYÊN

Hiệu quả kinh tế

Huyện Sông Hinh hiện có 181 gia trại và trang trại. Trong đó, 31 trang trại cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, còn 150 gia trại có thu nhập từ hơn 100 triệu đồng.

Mô hình gia trại linh hoạt hơn nên nhiều hộ trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ biết tận dụng đất vườn trồng cây và đào ao thả cá, phát triển chăn nuôi. Ông Bùi Thế Súy ở khu phố Ngô Quyền, thị trấn Hai Riêng, năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn quản lý một gia trại gần 2.000m2. Mô hình vườn ao chuồng do gia đình ông thực hiện cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Ông Súy cho biết: Trên diện tích này, tôi đào ao thả cá, nuôi 6 con bò và trồng rau màu, hoa quả… Mùa nào thức ấy, gia đình tôi luôn có rau và hoa quả tươi đem bán ở chợ Hai Riêng. Riêng cá, tôi đào ao nuôi cá chim, cá chép, rô phi trên diện tích 1.600m2, được thương lái thu mua là chủ yếu.

Còn Ma Ni ở xã Ea Bá có 5,3ha trồng sắn, lúa nước và nuôi 20 con bò, 25 con heo; thu nhập 130 triệu đồng/năm. Ma Ni cho biết: Lúa nước để có gạo ăn và làm phụ phẩm hỗ trợ chăn nuôi. 5ha sắn là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng vì giá cả không ổn định nên chúng tôi phải kết hợp nuôi bò, nuôi heo để kiếm thêm tiền. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, năm 2006, gia đình tôi bỏ vốn 30 triệu đồng mua máy xay xát về mở dịch vụ phục vụ bà con trong xã.

Mở rộng gia trại thành trang trại, nhiều hộ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo Mí Phương, người dân tộc Ê Đê ở buôn Ken, xã Ea Bá, thì mô hình trang trại trồng cây lâu năm của gia đình mí có diện tích hơn 20ha. Trong đó, Mí Phương dành 11ha trồng keo, bạch đàn; 4ha trồng cà phê xen với cây cao su, 4ha trồng sắn; diện tích còn lại trồng lúa nước và hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Mí kết hợp nuôi hơn 20 con bò và mua máy cày, máy tuốt lúa làm dịch vụ. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình Mí Phương đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

“Mô hình của gia đình mình cũng từ gia trại đi lên. Năm 1992, gia đình mình mới có được 10ha để trồng cây, rồi phải khai hoang mua thêm đất, đến năm 2014 mới có diện tích 20ha. Trồng nhiều cây, mình đầu tư 300 triệu đồng mua máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định và cho thu nhập cao”.

Hỗ trợ giảm nghèo

Các trang trại hoạt động hiệu quả đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Ông Nguyễn Đình Sao ở xã Ea Ly, cho biết: Từ mô hình trang trại của gia đình, tôi đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động.

Vào mùa thu hoạch cao su, cà phê…, lao động thời vụ lên tới 20 người. Mỗi lao động được trả lương từ 4,5 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Các hộ khá, giàu còn giúp các hộ nghèo khác trong xã thoát nghèo bằng hình thức cho mượn con giống, mượn tiền và mượn đất phục vụ sản xuất. Mí Phương ở xã Ea Bá, cho biết: Nhà mình có tới 20 con bò, hộ nào muốn mượn bò cày, mình sẵn sàng cho mượn. Ngoài ra, mình còn cho các hộ mượn bò sinh sản về nuôi, khi bê con đẻ ra, mình cho luôn bê con. Hộ nào thiếu đất sản xuất mình cũng cho mượn trong 3 năm mà không phải trả sản phẩm. Hộ nào thiếu tiền mua phân, thuốc, dụng cụ sản xuất tới hỏi mượn, mình cũng cho mượn, nếu trả được thì trả không thì mình cũng không đòi lại. Đến nay, mình đã cho 3 hộ nghèo 3 con bê con; 3 hộ mượn đất sản xuất với diện tích 1,5 sào/hộ; 4 hộ mượn tiền với số tiền từ 1-2 triệu đồng/hộ. “Mình không sợ thiệt đâu, cùng là người trong thôn, buôn cả thôi. Với lại, những hộ nghèo được giúp đỡ khi hết nghèo, có điều kiện kinh tế họ cũng mang trả mình”, Mí Phương nói.

Cho mượn theo hình thức hai bên cùng có lợi, cũng là cách hỗ trợ thiết thực của các hộ kinh tế khá cho các hộ nghèo. Ma Ni cho biết thêm: Tôi cho 2 hộ nghèo trong xã mượn 2 con bò sinh sản, khi bò đẻ bê con thì con đầu tiên là thuộc về hộ nghèo, sau 1 năm con bê thứ 2 sẽ thuộc về tôi. Tôi cũng cho 1 hộ mượn 2,5 sào lúa nước, canh tác trong 2 năm; sau mỗi vụ thu hoạch, cứ 5 bao lúa thì hộ đó trả lại tôi 1 bao. Riêng đối với một hộ quá khó khăn, tôi cho mượn 1ha đất rẫy không lấy lợi gì. Hộ này đã trồng sắn, mỗi năm cũng có thu nhập 20 triệu đồng. Đến nay, hầu hết các hộ được tôi giúp đỡ đã thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trong xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế hộ, huyện Sông Sinh đang chú trọng mô hình gia trại, trang trại. Đây là mô hình làm giàu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt là hầu hết chủ trang trại, gia trại đi lên từ khó khăn nên khi có điều kiện kinh tế, họ sẵn sàng giúp các hộ nghèo thoát nghèo. Đây chính là hiệu ứng xã hội tích cực của mô hình gia trại, trang trại trên địa bàn huyện.

MINH DUYÊN