00:00 Số lượt truy cập: 2662086

Sốt viêm não Nhật Bản 

Được đăng : 03/11/2016

Sốt viêm não Nhật Bản là một bệnh xảy ra khá phổ biến ở các nước ĐôngNam Á, chủ yếu đánh vào trẻ em dưới 10 tuổi, nếu không gây chết cấp thời cũng để lại nhiều di chứng nặng nề, nên các bậc cha mẹ, nhất là ở nông thôn, miền núi, cần đặc biệt quan tâm đến bệnh này để bảo vệ tương lai cho con em mình.


Ổ virus thường trực ở quanh ta, trong những loài gia súc máu nóng: gà, vịt, chim, lợn, ngựa,… Nền chăn nuôi phát triển, vệ sinh chuồng trại kém, môi trường xuống cấp, các loại muỗi kháng hóa chất và biến dị tràn lan do khó dập tắt… đó là những nguy cơ làm dịch viêm não Nhật bản đang có xu hướng gia tăng ở nước ta. Bệnh thường xảy ra nhiều trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, mỗi vụ dịch kéo dài trong 2-4 tháng. Virus gây bệnh do loài muỗi Culex Tritaenyorhynchus chuyển từ gia súc sang người, đặc biệt là từ lợn. Khi thấy lợn bỗng nhiên sốt cao, co giật, liệt, sẩy thai, chết… xin chớ coi thường, đặc biệt là khi trong địa phương có trẻ cũng ngã bệnh với những triệu chứng tương tự.

Theo các số liệu thống kê thì bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi là 70%, trẻ dưới 1 tuổi 25%, trẻ 6-10 tuổi 20%, trẻ trên 15 tuổi ít gặp. Ở nước ta, bệnh lưu hành rộng và đặc biệt nhiêm trọng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và trung du Bắc Bộ với tỷ lệ mắc hàng năm từ 6-10 người trong mỗi 100.000 dân. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội thì từ năm 1985-1996 cả nước có 15.289 người mắc bệnh này, trong đó có 937 ca tử vong và 4.000 người bị những di chứng nặng nề.

Điều đặc biệt nguy hiểm là virus viêm não Nhật Bản ưa tổ chức thần kinh, sinh sản, gây bệnh và tàn phá chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương. Sau khi ủ bệnh 4-14 ngày, trẻ đang chơi bỗng đột ngột sốt cáo 38-40oC, rét run, biếng ăn, buồn nôn, cáu gắt rồi đau đầu dữ dội, mê mệt muốn ngủ, người giật lên co rút, cứng gáy, vật vã, rên rỉ không ngớt, mắt lõm, đặc biệt là trẻ rối loạn thần kinh, rối loạn ý thức, từ nhầm lẫn đến mất trí như tiểu ngay ra nhà, ăn chuối không biết lột vỏ,… Bệnh gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, viêm não tủy, nhất là ở cuống não và các hạch ở đáy não làm trẻ li bì, hôn mê, bất tỉnh, vật vã, co cứng toàn thân, liệt mặt, liệt tứ chi. Bệnh thường tiến triển nặng, gây tử vong và di chứng đến 40-50% số bệnh nhân, trẻ chết trước ngày thứ 10 kể từ khi có sốt cao, những trẻ qua khỏi thường lờ đờ, kém trí nhớ, thay đổi tính nết, đần độn, ngơ ngẩn, động kinh, liệt,…

1. Phòng bệnh

- Tích cực diệt muỗi, xua muỗi cho lợn, trâu bò, diệt chuột, dẹp bỏ những nơi muỗi cư trú và sinh sản, ngủ phải nằm trong màn, không cho trẻ chơi gần bụi bờ, chuồng gia súc tránh muỗi đốt. Tiêm phòng vacxin cho trẻ hạn chế đáng kể dịch viêm não Nhật Bản.

- Trong mùa hè, nên thường cho trẻ ăn các loại thức ăn phòng và trị sốt cao, viêm não, động kinh như: bí đỏ, rau má, rau bồ ngót, lá dâu, rau dừa nước, húng chanh, rau răm,… - luộc, xào, um với tôm thịt, có thể chọn vài ba thứ gĩa nhuyễn, thêm ít nước sôi, ngâm một lúc rồi vắt lấy nước cốt, pha ít đường cho uống.

2. Chữa bệnh

- Các trường hợp nặng cần đưa trẻ gấp đến bệnh viện cấp cứu chống phù não, não thiếu oxy, co giật, trụy tim mạch, bội nhiễm,… để hạn chế tử vong và di chứng nặng. Di chuyển bệnh nhân đường xa, nắng nóng dễ chết, cần lưu ý.

- Theo kinh nghiệm Trung Quốc, có thể dùng các vị thuốc có dược tính chữa bệnh viêm não, chống virus và bước đầu đã chữa được cho nhiều trẻ khỏi bệnh, thoát di chứng như:

a. Cành lá cây ban 20g, xuyên tâm liên 16g, bột sừng trâu 10g, rễ cỏ tranh 20g, kinh giới 16g, quả dành dành 12g, hạt tía tô 8g, ké đầu ngựa 8g, cam thảo đất 8g - sắc, chia 5-6 lần uống trong ngày.

b. Bạc hà 8g, rau má 8g, câu đằng 8g, cát căn 8g, hoa kinh giới 8g, xương bồ 8g, thuyền thoái 4g, bán hạ (sao gừng) 6g, cam thảo dây 8g - sắc uống, 1 thang/ngày.

c. Cóc mẳn 12g, lá duối tươi 12g, lá dâu non 8g, lá tre 8g, vó núc nác 8g, màng mề gà 1 cái (sao vàng) - sắc uống, 1 thang/ngày.

d. Cúc hoa trắng 8g, đinh hương 2g, toan táo nhân 2g, long nhãn 8g , mạch môn 8g, hạt sen 8g, sinh địa 8g, thảo quyết minh 6g, xuyên tâm liên 12g - sắc, chia 3 lần uống/ngày.

e. Cát cánh 6g, liên kiều 10g, hoàng cầm 6g, bạc hà 2g, quả dành dành 5g, thạch cao 3g, thanh cao 6g, kim ngân 10g, cú hoa 10g, cam thảo 5g - sắc, chia 3 lần uống/ngày.

g. Cát cánh 3g, hoàng kỳ 16g, long đờm 10g, sinh địa 10g, bạch thược 6g, hạt mơ 8g, hoa hồng 3g, phòng phong 3g, cam thảo 3g - sắc - chia 3 lần uống/ngày.

h. Hoàng kỳ 16g, xuyên khung 8g, xích thược 8g, hồng hoa 3g, sơn tra 3g, ngưu tất 3g, địa long 5g, quế chi 2g - sắc, chia 3 lần uống/ngày. Tác dụng: Chữa nhũn não, liệt, méo mồm, khó nói.

i. Bản lam căn (rễ tràm) 15g, bạch chỉ 8g, khương hoạt 8g, thạch cao 8g, phòng phong 8g, thiên ma 8g, câu dằng 12g, hoàng bá 8g, hoàng cầm 8g, phòng kỉ 8g, tế tân 8g, thiên nam tinh 8g, thuyền thoái 5g, xuyên khung 8g - sắc, chia 3 lần uống/ngày.

h. Phối hợp day bấm huyệt chữa sốt cao, co giật, hôn mê:

Thiếu thương C/I.11

Thạch môn H/XIV.5

Thiếu xung C/V.9

Hợp cốc H/II.4./.