00:00 Số lượt truy cập: 2663062

Sự nguy hiểm của cá bị nhiễm độc 

Được đăng : 03/11/2016
Hỏi: Ruộng lúa nhà tôi có kết hợp nuôi cá các loại, sau khi xịt thuốc trừ sâu, cá bị say và chết. Xin cho biết, cá đó có sử dụng được không?

Phạm Văn Trường (Gia Viễn - Ninh Bình).

Trả lời: Thuốc trừ sâu tác động lên sâu hại qua: tiếp xúc, vị độc, xông hơi. Thuốc tác động lên hệ thần kinh của đối tượng bằng cách ức chế men acetyl cholinesterase trong hệ thần kinh. Đây là chất trung gian có trong khớp thần kinh giao cảm.

Ngoài đối tượng phòng trừ là sâu hại, thuốc cũng có tác động đến con người và các loại động vật khác như gia súc, tôm, cá. Tính độc của mỗi loại thuốc được biểu thị bằng LD50, tức là lượng thuốc gây chết 50% số cá thể sinh vật tiêu chuẩn được thử nghiệm là chuột, cá, chim, vịt trời. LD50 được xác định qua đường tiếp xúc (qua da), qua đường miệng (cho ăn) hoặc xông hơi. Loại thuốc có LD50 cao, sẽ ít độc hơn so với một loại thuốc có LD50 thấp. Đơn vị tính của LD50 là mg/kg tức là trọng lượng thuốc/trọng lượng cơ thể của cá thể thử nghiệm. Đối với cá, độ độc được tính bằng LC50, tức là nồng độ thuốc có khả năng gây chết 50% số cá thể thử nghiệm trong một thời gian nào đó, thường là 1 hoặc 4 giờ.

Trên nhãn hiệu của các loại thuốc đều có thông tin về độ độc và hình tượng biểu hiện độ độc tương ứng của mỗi loại thuốc (như đầu lâu xương chéo đối với thuốc thuộc nhóm I và chữ thập trong hình vuông đặt lệch đối với thuốc thuộc nhóm II).

Hiện tượng cá say và chết biểu thị sự ngộ độc của cá đối với loại thuốc sử dụng. Nói cách khác, trong cơ thể cá đã mang một lượng thuốc trừ sâu đủ gây chết. Theo căn cứ LD50 ở trên liều gây chết cho cá có thể không gây chết ở người sử dụng cá bị nhiễm thuốc. Tuy nhiên, sự tích lũy của thuốc trong cơ thể con người trong một thời gian dài sẽ gây hậu quả khôn lường.