00:00 Số lượt truy cập: 2637854

Sủng Là(huyện Đồng Văn- Hà Giang) vượt khó xóa nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

Cũng như nhiều xã khác trong huyện, xã Sủng Là (Đồng Văn) cây ngô vẫn là cây chủ đạo trong kinh tế hộ và lương thực, vậy mà nếu đem chia bình quân diện tích trồng ngô, trong đó lẫn cả đá là 262ha cho 566 hộ trên địa bàn thì mỗi hộ chỉ được hơn 4.000m2, hơn nữa chỉ là đất 1 vụ.


Cách đây 6 năm, Sủng Là có tới gần như 100% số hộ trong xã là nghèo đói và gần 50% số hộ trong xã ở diện được Nhà nước cứu trợ, nhưng đến nay, tính bình quân đầu người toàn xã đã có mức thu nhập 312kg lương thực và khoảng 4,6 triệu đồng/năm. Đây là thành tích không thể phủ nhận sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và những nỗ lực của người dân địa phương, có sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện bằng nhiều cách khác nhau để người dân Sủng Là có được cuộc sống mới hôm nay. Rất nhiều nhà lãnh đạo của T.Ư, của các địa phương khác đến thăm huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, thăm Cao nguyên đá đều phải thốt lên: “Những người dân ở đây, chỉ cần trụ vững tại vùng đá này, để bảo vệ biên giới Tổ quốc cũng đủ phong họ thành anh hùng rồi, chưa kể đến chuyện họ phải tự làm ra của cải vật chất để nuôi sống gia đình và còn đóng góp cho đất nước...”.

 

Được sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của các chương trình, dự án, Đảng bộ xã Sủng Là đã bắt tay ngay vào thực hiện việc “an ninh lương thực dân sinh’, cũng có nghĩa là đón nhận nhanh chóng những tiến bộ khoa học trong thâm canh cây ngô trên diện tích sẵn có, để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu lương thực nuôi sống người dân. Ngay từ đầu năm 2003 là năm mà trên địa bàn tỉnh ta có số diện tích được chuyển đổi cây trồng, mùa vụ mạnh nhất, thì xã Sủng Là cũng đưa 120ha ngô giống mới vào sản xuất và hơn 100ha ngô địa phương được đưa vào thâm canh và kết quả thu được rất khả quan, ngô giống mới đạt từ 26-27 tạ/ha, ngô địa phương thâm canh đạt trên 20 tạ/ha, sản lượng cao gấp hơn 2 lần cách canh tác trước đây, cũng đồng nghĩa với việc đời sống của nhân dân được tăng lên gấp 2 lần về lương thực. Ngay từ vụ chuyển đổi gieo trồng cây lương thực đầu tiên đã mang lại kết quả khả quan, nhân dân tin vào cán bộ, đảng viên, tin vào định hướng của huyện, các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã, như tiến hành trồng cỏ, nuôi bò; trồng đậu tương giống mới, mở rộng diện tích gieo trồng đậu răng ngựa, đậu Hà Lan, trồng lúa mì, lúa mạch, khai khẩn đất ven rừng, vườn tạp trồng khoai lang, dong riềng để phát triển chăn nuôi. Chỉ tính riêng cây lương thực phụ của các hộ gia đình toàn xã sau 2 năm phát động từ cuối năm 2003- 2005 đã thu hoạch khoảng trên 300 tấn đã được quy đổi. Đặc biệt là hơn 20ha đậu tương, 40ha khoai lang và gần 80ha dong riềng đã cung cấp chất bột cho các hộ gia đình phát triển mạnh chăn nuôi. Đến nay bình quân mỗi hộ của xã Sủng Là có trên 4 con bò, dê và 3 con lợn, các loại gia cầm khác...

 

Để đàn bò, dê trở thành mũi nhọn kinh tế, mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, nhiều năm qua Sủng Là luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, của huyện và các ngành chức năng, như Dự án chăn nuôi bò mô hình thí điểm, bảo tồn nguồn gen bò vàng vùng đá gần 30 con; chăn nuôi dê luân chuyển theo dự án của MTTQ tỉnh và nhiều dự án khác... Đã có đường giao thông, có thể đi xe máy về 10 xóm trong xã, 40 hộ được hạ sơn, các xóm đã được dùng điện lưới Quốc gia, gần 550 hộ đã có nhà ngói, nhà lợp tôn hay tấm lợp xi măng... Một thành quả, bằng sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ huyện, bằng các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ xã và điều hành của cán bộ tại địa phương, nhất là việc xây dựng mô hình kinh tế hộ, theo kinh nghiệm tại chỗ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lòng dân đã mang lại kết quả mà ngay người dân ở Sủng Là cũng phải bất ngờ với việc XĐGN bền chặt như hôm nay.