00:00 Số lượt truy cập: 2667058

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với nhu cầu của thị trường 

Được đăng : 03/11/2016

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu ngành nông nghiệp 
(Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, qua 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu các ngành sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, các vùng cả nước và gắn với thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, liên kết theo chuỗi phát triển; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Thông qua đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, trái cây.

Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng, tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, đồng thời chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, chè,…Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7,5 tỷ USD. Hiện nay, đã có 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, tái cơ cấu đã có sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng đàn giống, đầu tư trong chăn nuôi có nhiều bước phát triển, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, sản xuất chăn nuôi tăng trưởng khá cao và chuyển đổi theo hướng tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%/năm, quý I năm 2016 tăng 4,2%. Các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, với việc tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, độ che phủ rừng đã đạt 41,5%. Cùng với đó, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt trung bình 6,57%/năm, quý I năm 2016 đạt 6,3%, vượt mục tiêu đề án đề ra là 5,5-6%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, trung bình đạt gần 6,6 tỷ USD/năm. Riêng năm 2015, đạt mức 7,1 tỷ USD, là mức tăng trưởng cao nhất của ngành từ trước đến nay.

Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ và nhiều địa phương đã tích cực triển khai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, làm rõ mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp toàn quốc và các địa phương. Nhờ đó, tái cơ cấu ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Trong 3 năm 2013-2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động của bất lợi của thị trường nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong đó, kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng quý I năm 2016 giảm. Cùng với đó, công tác triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương đã sớm quyết liệt chỉ đạo, đạt được kết quả khá rõ nét (Đồng Tháp, Lâm Đồng, Hà Tĩnh,…) nhưng vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm.

Công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, khu vực hợp tác xã (HTX) còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện theo Luật HTX 2012. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp; việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập,…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để tạo chuyển biến rõ nét hơn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn tới, cần tập trung vào phát huy 3 “trục” lớn các sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Thứ nhất là sản phẩm cấp quốc gia, gồm khoảng 10 sản phẩm có lợi thế để tăng cường đầu tư sản xuất, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu; số lượng các sản phẩm sẽ từng bước được bổ sung thêm tùy vào điều kiện sản xuất. Thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh có tính chất đặc thù của tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên,… để phát huy lợi thế của tỉnh nhà. Thứ ba là sản phẩm quy mô cấp địa phương, thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để cho ra đời các sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ của địa phương vừa có thể tiến hành xuất bán ở trong và ngoài nước.

Về tổ chức sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, rất cần có các chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để làm được điều này, cần gỡ khó những vấn đề về chính sách, đặc biệt liên quan đến tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhanh vào nông nghiệp. Sắp tới, trong tháng 9/2016, Bộ NN&PTNT sẽ  phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng  trong việc góp phần nâng cao đời sống của người dân, xây dựng Nông thôn mới và ổn định tình hình chính trị-xã hội. 

Để thực hiện hiệu quả hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị việc thực hiện tái cơ cấu cần theo hướng gia tăng sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao với khối lượng lớn, thông qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, tái cơ cấu ngành cần gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Bởi khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, những thách thức đối với ngành nông nghiệp là không nhỏ. Để làm được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới; xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng địa phương, thông qua đó để phát huy, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tránh làm theo phong trào, hình thức mà cần thực hiện từng bước vững chắc, có hiệu quả. Đồng thời, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tăng diện tích sản xuất trên hộ gia đình, giảm lao động trong nông nghiệp; đưa công nghệ và máy móc vào để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, rà soát lại các quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện quy hoạch; gắn tái cơ cấu với phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn./.

Bùi Thủy