Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi 
là một trong những nhiệm vụ được ngành chăn nuôi tiếp tục triển khai (Ảnh minh họa: BT)
Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN),  an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề lớn, trọng tâm của ngành NN&PTNT, Bộ NN&PTNT đã chú trọng xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý chất lượng, ATTP từ Trung ương đến địa phương, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về ATTP. Gần đây đã tập trung lực lượng triển khai kiểm soát trên thực địa, cụ thể cuối năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng cường kiểm tra, thanh tra chất cấm trên cả nước, ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, 6 tháng đầu năm 2016, tình trạng đảm bảo vệ sinh ATTP đối với một số nông sản chưa được cải thiện rõ nét, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh còn cao. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm cao điểm về vệ sinh ATTP, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Cụ thể, về rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Cục Thú y rà soát, đưa ra quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng Enrofloxacin trong chăn nuôi, ngăn chặn sử dụng sai mục đích, lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản. Cục Trồng trọt rà soát quy định về quản lý phân bón; Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) rà soát quy định về quản lý thuốc BVTV nhằm tránh tạo kẽ hở trong việc sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV sai mục đích. Đồng thời, Cục Trồng trọt khẩn trương rà soát, đơn giản hóa, giảm số lượng các chỉ tiêu trong quy định, tiêu chuẩn VietGAP.

Các Tổng cục, Cục, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường rà soát các quy định về quản lý, phòng kiểm nghiệm thuộc thẩm quyền của Bộ, kiểm tra hoạt động của các phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định; đề xuất các cơ chế, chính sách tạo động lực, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, nông, thủy sản an toàn; hệ thống truy xuất nguồn gốc và nhận diện sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các báo, đài trong cung cấp thông tin, truyền thông về vệ sinh ATTP; kịp thời công khai, đấu tranh, xử lý với các hành vi vi phạm và quảng bá, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất. Trong đó, các Cục: Thú y, Bảo vệ Thực vật, Trồng trọt, Chăn nuôi rà soát lại hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương; kiểm tra trách nhiệm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân nếu để xảy ra các sai phạm trên địa bàn quản lý.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản rà soát hệ thống chỉ tiêu giám sát; tổ chức, điều tra, giám sát vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Bộ trong toàn quốc để có đủ thông tin, số liệu tin cậy đánh giá mức độ đảm bảo ATTP làm cơ sở xác định trọng tâm, trọng điểm các hoạt động quản lý, kiểm soát ATTP.

Các Tổng cục, Cục tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Về tổ chức thực hiện, các Tổng cục, Cục tập trung chỉ đạo liên tục, mạnh mẽ hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng trên cả nước thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tập trung kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguy cơ cao mất ATTP trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công thương, Y tế, Công an trong quản lý chất lượng VTNN, đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản./.