Cách đây gần chục năm, Bùi Xuân Chỉnh, đảng viên ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã thực hiện quyết định táo bạo: đưa cây cam đường Canh lên đồi trồng thay thế cho diện tích vải thiều kém chất lượng. Nhưng cũng phải mất đến 5 năm loay hoay, chật vật học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, Chỉnh mới thành công. Giờ đây, với thu nhập bình quân nửa tỷ đồng/năm, anh được bà con quý mến gọi là "tỷ phú cam Canh".
Chúng tôi đến thăm gia đình Chỉnh vào những ngày cuối tháng 10, đúng dịp anh vừa sắm hàng chục kilôgam dây từ thị trấn Chũ về để làm giá đỡ những cành cam đường Canh sai trĩu quả. Hướng dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, Chỉnh vui vẻ bày tỏ: "So với những địa phương khác thì năm nay, cam Canh ở Lục Ngạn được mùa hơn cả. Vườn cam hơn 700 cây của tôi dự kiến sẽ thu hoạch được 15 tấn quả, tăng gấp rưỡi so với vụ năm 2010". Quan sát vườn cam Canh, nói đúng hơn là đồi trồng cây ăn quả các loại rộng hơn 1ha của gia đình Chỉnh, chúng tôi thấy anh sắp xếp rất khoa học. Phần diện tích trên dốc cao anh trồng vải U Hồng, giống vải chín sớm, có chất lượng thơm ngon; phần dưới chân đồi anh dành để trồng cam Canh, cùng bưởi Diễn, cam Vinh. Cạnh đó là ao nuôi cá và chứa nước tưới cho cây ăn quả có diện tích khoảng 2 sào; phần giữa đồi thoai thoải dốc có diện tích khoảng hơn 1 mẫu, anh chặt bỏ hàng trăm cây vải thiều để chuẩn bị trồng tiếp cam đường Canh. Điều đáng ngạc nhiên là ngay trên mảnh đất cằn khô sỏi đá, tưởng chừng như cây cỏ còn khó mọc này, những loại cây ăn quả có múi của gia đình Chỉnh vẫn phát triển xanh tốt. Tâm sự với chúng tôi, Chỉnh chia sẻ: "Những năm gần đây, vải thiều chín sớm cũng cho giá trị kinh tế cao nhưng so với cam Canh thì không thể bì được. Tuy cam Canh khó chăm sóc nhưng nếu làm được thì đây là loại cây ăn quả siêu lợi nhuận. Giờ tôi đã nắm chắc kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc rồi nên mới quyết định chặt bỏ tiếp vải thiều để chuyển đổi sang trồng cam Canh". Ngoài ra Chỉnh còn trồng xen 100 cây bưởi Diễn và 100 cây cam Vinh để khảo nghiệm. Cùng là loại cây có múi nhưng bưởi Diễn và cam Vinh dễ trồng, dễ chăm sóc hơn so với cam Canh song giá trị kinh tế thu về cũng xếp sau cam Canh. Để có được vườn cây ăn quả cho thu bạc tỷ này, gia đình Chỉnh cũng phải loay hoay, chật vật mất 5 năm đầu. Năm 2003, khi giá của quả vải thiều tụt xuống thấp đến mức thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg tại vùng cao Tân Mộc, Chỉnh đã tính: "Nhà mình có đến 2ha đất đồi, nếu chỉ dựa vào cây vải thiều và nếu giá xuống thấp nữa thì làm sao sống?". Cùng lúc đó, huyện Lục Ngạn có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vận động nhân dân thực hiện. Là đảng viên, Chỉnh thấy mình nên đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng để nhân dân học tập làm theo. Nghe nói ở vùng Hưng Yên có giống cam Canh cho giá trị kinh tế cao và thực tế ở Lục Ngạn đã có một vài hộ trồng được, Chỉnh quyết định phá bỏ 2 sào vải thiều, rồi về tận huyện Văn Giang (Hưng Yên) mua 150 cây cam Canh về trồng thử. Đến năm 2004, anh lại tiếp tục chặt 1 mẫu vải để trồng thêm hơn 1.000 cây cam Canh. Lúc ấy, ngay cả những người bán cây giống cho anh ở Văn Giang cũng phải lắc đầu cho rằng: "Người ta làm cam Canh ở nơi đất đai màu mỡ cũng phải chật vật mới được ăn nữa là mang lên rừng, có trồng được thì quả cam cũng không ra gì, chất lượng không thể có sự cạnh tranh được với cam miền xuôi". Quả thật, trồng cam Canh không hề đơn giản. Những năm đầu, năm nào Chỉnh cũng đầu tư thuốc trừ sâu, phân bón và công chăm sóc nhưng vườn cam chẳng những không cho quả mà cây còn mắc bệnh vàng lá gân xanh, chết khá nhiều. Không nản chí, một mặt anh đến các vườn cam Canh trong và ngoài huyện học tập kinh nghiệm, mặt khác anh tự đúc rút kỹ thuật trồng qua các năm chăm sóc để tìm ra căn nguyên khiến vườn cam nhà mình không cho quả. Năm 2008, Chỉnh quyết định phá bỏ toàn bộ số cây bị bệnh, rồi thực hiện việc trồng giãn diện tích cam ra 2,5 - 5 m/cây, thay vì 1,2 m/cây như trước, cả vườn chỉ để 700 cây. Cùng đó, đến chu kỳ chăm sóc, anh cũng thực hiện việc cuốc gốc cho đứt rễ, rồi khoanh cành và sử dụng các chế phẩm sinh học kích phát tố ra hoa. Năm đó, vườn cam của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch, được hơn 100 triệu đồng. Tuy hiệu quả kinh tế ban đầu còn khiêm tốn nhưng cũng là nguồn động viên khuyến khích Chỉnh tiếp tục gắn bó với cam Canh. Đến vụ cam năm 2010, nhờ nắm chắc được kiến thức và kinh nghiệm, với kỹ năng "bắt bệnh bốc thuốc cho từng cây", không chăm sóc theo kiểu đại trà, mà tuỳ theo sức của cây để bón phân, khoanh cành cho hợp lý (khoanh mở hoặc khoanh mịn), Chỉnh đã thành công. Vườn cam Canh cho thu hoạch hơn 10 tấn quả, bán với giá bình quân 38.000 đồng/kg, thu về gần 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Không những vậy, khách hàng ở Hà Nội còn khen cam Canh của gia đình anh có độ đường cao, ăn thơm và ngon hơn so với cam ở vùng thấp. Bởi vậy họ không ngần ngại vào tận vườn thu mua và sẵn sàng trả giá cao hơn so với cam ở Hưng Yên. Chỉ những quả cam đang mọng vỏ, chuẩn bị cho thu hoạch, Chỉnh mỉm cười: "Vụ cam năm 2010, các chủ trang trại ở Văn Giang không còn dám gọi cam này là cam rừng nữa mà họ phải đổi thành cam Canh Bắc Giang". Năm 2010, tổng giá trị thu về từ các loại cây ăn quả, gia đình Chỉnh là hơn 600 triệu đồng. Khi thấy gia đình Chỉnh đưa cây cam Canh vào sản xuất hiệu quả, 45/200 hộ dân ở thôn Đồng Quýt đã mạnh dạn làm theo. Những hộ có nhu cầu về cây giống, Chỉnh đã đi đến tận Hưng Yên chọn mua cây giống có chất lượng tốt về cho bà con, đồng thời hướng dẫn, tư vấn cho họ cách trồng và chăm sóc. Bởi vậy giờ đây thôn Đồng Quýt đã có khoảng 20ha cam Canh cho thu hoạch. Vụ cam năm 2011, sản lượng cam Canh của cả thôn ước đạt 200 tấn, Chỉnh dự kiến có khoảng 30 hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên từ cam đường Canh. |