Trong những năm gần đây mô hình trồng địa lan được nhiều hộ nông dân ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nhân rộng và phát triển rất mạnh. Địa lan là một loại hoa đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ dân xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng có của ăn của để khi trồng loại hoa này…
Lần theo quốc lộ 22, đến thị trấn Trảng Bàng chúng tôi rẽ vào một con đường lớn tiến về xã Gia Lộc, nơi đang có nhiều hộ dân làm ăn khấm khá nhờ trồng địa lan. Xã Gia Lộc bây giờ hoàn toàn khác với Gia Lộc mấy năm trước, những căn nhà vách lá trước đây được thay bằng những ngôi nhà xây lợp ngói đỏ khang trang. Men theo những con đường đất đỏ uốn lượn quanh làng, hai bên là những vườn địa lan đang ra bông sặc sỡ khiến ai đi qua cũng phải đứng lại ngắm nhìn.
Chúng tôi tìm đến vườn địa lan của anh Bùi Tấn Hùng (Ba Trung), một người được mệnh danh là “vua” địa lan tại ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc. Tiếp đón chúng tôi trong bộ trang phục màu nâu giản dị, anh Hùng cho biết, gia đình có gần 4.000m2 đất vườn, trước đây đã trồng thử đủ các loại cây nhưng vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế, vì thế nên cái nghèo, cái đói vẫn bám riết không buông.
Thế rồi tình cờ anh thấy một số người bạn trồng địa lan đưa lại hiệu quả khả quan nên anh quyết định mua giống trồng thử. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ trồng thử 600 cây. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi ở những người đi trước, dần dần anh tích lũy được nhiều kiến thức về trồng địa lan. Từ 600 cây ban đầu, đến nay gia đình anh đã có một vườn địa lan với hàng chục nghìn cây các loại như: môcara, bò cạp... với giá bán 2.000 đồng/cành nhỏ, 4.000 đồng/cành lớn đã mang về cho gia đình anh gần 4 triệu đồng/tuần.
“Nhờ trồng địa lan, không những gia đình tôi thoát được nghèo mà còn xây được nhà cửa. Đặc biệt hơn, thu nhập ổn định từ địa lan đã giúp tôi nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”, anh Hùng tâm sự.
Chúng tôi tiếp tục ghé qua vườn lan của gia đình anh Hà Văn Hiệp cách đó không xa. Anh Hiệp tiết lộ, anh trồng địa lan đã được 5 năm nay. Hiện trong vườn lan của anh trồng rất nhiều loại, trong đó chủ lực vẫn là: phượng vĩ, lê na... Cũng giống như anh Hùng, ban đầu gia đình anh Hiệp chỉ trồng vỏn vẹn 500 cây, nhưng sau 5 năm vườn địa lan của gia đình anh đã lên tới trên 3.000 cây các loại.
Theo anh Hiệp thì cây địa lan rất dễ nhân giống nên người trồng dễ dàng mở rộng diện tích mà không phải tốn tiền mua giống. Hiện hoa lan của gia đình anh Hiệp và các hộ dân ở đây được các thương lái TP.HCM tới mua mỗi ngày. Ước tính của anh Hiệp, mỗi năm gia đình lãi được trên 100 triệu đồng từ trồng địa lan.
Gần đó, gia đình anh Phạm Văn Dũng, một hộ đang trồng thử địa lan tiết lộ: “Để có được một vườn địa lan khoảng 500 cây số vốn ban đầu bỏ ra cũng không nhỏ (gần 40 triệu đồng). Cây địa lan có vòng đời khá dài, khoảng 4,5- 5 năm mới phải thay lại giống. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 5-6 tháng nên hoàn vốn nhanh".
Chỉ tay vào luống lan môcara, anh Dũng nói: “Dãy này có giá hơn 100 triệu đồng đó, đây là loại hoa có giá nhất, một cành hoa có khi lên tới trên 20.000 đồng. Vào dịp lễ tết giá hoa lan còn tăng gấp vài lần nên chúng tôi thường có cái Tết tạm gọi đầy đủ”.