00:00 Số lượt truy cập: 2662473

Thái Nguyên ứng dụng KH&CN sản xuất nấm hàng hóa 

Được đăng : 03/11/2016

Nghề trồng nấm ở Thái Nguyên đã hoàn toàn thay đổi nhờ làm chủ công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.


Ở Thái Nguyên, nghề trồng nấm đã được hình thành từ lâu nhưng mới mang tính khởi phát, chưa có sự đầu tư đúng với tiềm năng của tỉnh. Người nông dân chủ yếu sản xuất một số loại nấm truyền thống như mộc nhĩ, nấm rơm. Việc chế biến, tiêu thụ, sản xuất giống nấm hầu như còn buông lỏng không có cơ quan KH&CN nào quản lý. Người sản xuất phải mua giống ở xa, rủi ro cao trong vận chuyển, hoặc mua giống từ các cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng dẫn đến thất thu hoặc mất trắng gây tâm lý hoang mang cho người trồng.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ KH&CN, dự án xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hóa tại tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt trong danh mục dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2004-2010. Trong thời gian triển khai dự án, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật - Viện Di truyền Nông nghiệp đã chuyển giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái Nguyên quy trình công nghệ nhân giống nấm cấp I, II, III và công nghệ nuôi trồng nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ… Đồng thời, dự án đã xây dựng mô hình trồng nấm tập trung với diện tích 500m2 và 5.000m2 lán trại tại 100 hộ dân.

Tại Xưởng thực nghiệm sinh học của Trung tâm đã sản xuất thử nghiệm hơn 8 tấn giống các loại đưa ra nuôi trồng ở các mô hình. Tại mô hình tập trung đã sản xuất được 4,5 tấn nấm các loại. Tại các hộ dân, đã xây dựng lán trại, đầu tư 350 tấn nguyên liệu, công lao động, hiệu quả kinh tế đem lại cũng cao hơn nhiều so với chăn nuôi, trồng trọt. Qua thực tế sản xuất của 28 hộ tại Văn Yên với diện tích 1.460m2 lán trại, 32 tấn rơm và 386kg giống… thu được 8,7 tấn nấm sò đạt gần 64 triệu đồng.

Không chỉ những hộ dân tham gia dự án được hưởng lợi từ kết quả của việc ứng dụng tiến bộ KH&CN mà mô hình này còn được nhân rộng và chuyển giao cho một số tổ chức, đơn vị hình thành nghề mới như Trại thực nghiệm của Đại học Nông lâm; Trung tâm 06 Đại Từ, Nhà máy chè Kim Anh; Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ; Hợp tác xã Nấm Chùa Hang - Đồng Hỷ. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp các nguồn vốn phát huy khả năng ứng dụng KH&CN như: phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xây dựng chương trình dinh dưỡng tại 2 xã của huyện Võ Nhai và Phú Lương; Dự án Núi Pháo xây dựng trang trại và làng nghề tại xã Hùng Sơn...

Thông qua dự án này đã tổ chức tập huấn cho trên 300 người và đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên tại chỗ làm chủ được công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ kết quả ban đầu của dự án, số hộ dân tham gia trồng nấm đã tăng gấp đôi từ 100 lên 200 hộ và xuất hiện nhiều hộ trồng với qui mô lớn.

Việc đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất tại địa phương và phù hợp với chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh Thái Nguyên. Dự án được đầu tư có hệ thống và quy mô hoàn chỉnh không những mang lại lợi ích trước mắt mà còn có ý nghĩa KT-XH lâu dài, tạo ra ngành nghề sản xuất mới có hiệu quả cao ở Thái Nguyên. Đây cũng là cơ hội để người dân tiếp nhận KH&CN mới tạo ra sản phẩm có giá trị và chất lượng cao.