00:00 Số lượt truy cập: 2638152

Tháng 7, thị trường nông sản trầm lắng 

Được đăng : 03/11/2016
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thị trường tiêu thụ trong tháng 7/2016 của nhiều mặt hàng nông sản chính như lúa gạo, thủy sản, thịt, hồ tiêu, cao su… đều diễn biến khá trầm lắng và giữ xu hướng giảm giá.

Trong tháng 7/2016, thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến trầm lắng, giá lúa Hè Thu biến động từ ổn định đến giảm nhẹ. Thời tiết mưa nhiều khiến chất lượng hạt gạo giảm sút nên không thu hút được khách hàng, trong khi đó thương lái mua lúa cũng gặp khó khăn.

Giá tiêu trong nước giảm một phần do bị ảnh hưởng bởi vụ thu hoạch tiêu hiện đang vào giai đoạn cao điểm ở Indonesia. Càng đến ngày thu hoạch giá lúa, gạo ngoài thị trường càng giảm, đến đầu tháng 7/2016, giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm 300 đồng/kg, từ 4.300 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg; tại Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm từ 5.400 đồng/kg xuống còn 5.300 đồng/kg…

Về cao su, giá cao su diễn biến giảm trong tháng 7/2016, mặc dù trong tuần đầu tháng có lúc bật tăng. Các đồn điền cao su đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ, song giá mủ không có chuyển biến tốt, tiền bán mủ không đủ bù đắp chi phí khai thác, chăm sóc nên người dân ở nhiều vùng trồng cao su tiếp tục thanh lý vườn cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác. Giá cao su SVR3L thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh liên tục giảm, hiện chỉ còn 30.800 đồng/kg, cao su SVR10 giảm từ 29.100 đồng/kg xuống còn 26.300 đồng/kg.

Đối với hồ tiêu, giá thu mua hạt tiêu đen trong tháng 7/2016 giảm nhẹ so với tháng trước. Tính trung bình trong tháng, giá thu mua tiêu đen xô tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm Gia Lai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đắk Lắk, và Đồng Nai lần lượt ở mức 165.000 đồng/kg, 169.500 đồng/kg, 165.000 đồng/kg, và 165.500 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với trung bình tháng trước. Nguyên nhân giá tiêu trong nước giảm là do bị ảnh hưởng bởi vụ thu hoạch tiêu hiện đang vào giai đoạn cao điểm ở Indonesia.

Thủy sản: Thị trường cá tra nguyên liệu trong tháng 7/2016 không có dấu hiệu khởi sắc, giá vẫn ở mức thấp. Giá cá tra trong size (700 - 900g/con) vẫn duy trì quanh mức 18.500-19.000 đồng/kg (trả chậm), giảm khoảng 400 đồng/kg so với tháng trước. Theo thông tin từ hộ nuôi, hiện lượng cá trong size 700 - 900 g/con của các hộ khá nhiều nên các hộ vẫn tích cực chào bán.

Trong khi đó, cá tra quá lứa nằm trong ao không có người mua do thị trường Trung Quốc giảm mua, chỉ bán được ở mức giá 16.000 - 17.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau trong tháng 7/2016 không có biến động sau khi bất ngờ giảm mạnh vào giữa tháng 6/2016, nguồn cung vẫn ở mức thấp. Cụ thể, giá tôm sú cỡ 20 con/kg giảm 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 6/2016 xuống 278.000 đồng/kg của tuần trước. Dự báo, giá tôm sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Đối với giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam trong tháng 7/2016 nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm. Tại một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, giá đã giảm 500 đồng/kg và 1.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng và hiện có mức giá lần lượt là 42.500 đồng/kg và 44.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán ra tại các trại hiện chỉ còn 42.000 - 43.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg so với mức giá cuối tháng trước.

Nếu so với mức giá “đỉnh” vào tháng 4 và đầu tháng 5/2016, giá lợn hơi trên địa bàn Đồng Nai đã giảm 12.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương mức giảm hơn 23%. Nguyên nhân là do lượng lợn tồn ở Trung Quốc còn nhiều nên nước này hạn chế nhập. Trong khi đó, Đồng Nai cung cấp 15 hơn 50% sản lượng lợn hơi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nên giá lợn bị ảnh hưởng ngay.

Đà giảm giá của một số mặt hàng nông lâm thủy sản chính này sẽ là một thách thức không nhỏ cho nỗ lực đạt mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian tới.

Thiên Tú